{keywords}
Bên trong một kho hàng của Amazon (Ảnh: Getty Images)

Doanh thu bán hàng thương mại điện tử đến người tiêu dùng (B2C, C2C) đạt hàng tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu. Những hoạt động bán hàng trên nền tảng này hiện diện ngày càng nhiều hơn ở các quốc gia. Tuy nhiên, việc thu thuế với hoạt động diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới luôn là vấn đề đau đầu với nhiều chính phủ.

Nền tảng mua sắm trực tuyến cho phép giao dịch mua/bán hàng hóa xuyên biên giới và ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau. Các giao dịch phải chịu các khoản thuế, trong đó có thuế Giá trị gia tăng (VAT) hoặc thuế Hàng hóa và dịch vụ (GST) tại nơi ở người mua hàng.

Song người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế phải nộp cho mỗi quốc gia mà họ bán hàng tới hoặc có thể cố tình né tránh. Do đó, một số quốc gia, khu vực đang xem xét hoặc đã ban hành đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải thực thi nghĩa vụ thuế tại vùng, quốc gia sở tại. Một số nước như Anh, Đức và Ấn Độ đang dựa vào các nền tảng trực tuyến để thực hiện vai trò thu thuế từ những người bán nước ngoài. 

Tháng 3/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khuyến nghị các cơ quan thuế dựa vào nền tảng thương mại điện tử để ngăn chặn việc tránh, trốn thuế. OECD đưa ra một bộ quy tắc hài hòa về thuế giá trị gia tăng/thuế hàng hóa dịch vụ (VAT/GST) trong nền kinh tế kỹ thuật số. 

Các quốc gia có quy tắc khác nhau để xác định vị trí của khách hàng đang mua dịch vụ kỹ thuật số, điều này dẫn đến việc đánh thuế hai lần hoặc không đánh thuế. Bộ quy tắc (đã được áp dụng tại một số quốc gia) được cho là có thể loại bỏ tình trạng này.

Tại châu Âu, bắt đầu từ năm 2021, các trang bán hàng trực tuyến (như Amazon, eBay) được yêu cầu thu thuế VAT từ các thị trường thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Liên minh Châu Âu.

Theo quy định này, từ 1/7/2021, bất kỳ nhà bán hàng online, sàn giao dịch thương mại điện tử nào đều phải đăng ký kinh doanh ở một nước thành viên EU bất kỳ nếu muốn bán hàng trực tuyến vào EU. Khi tiến hành bán hàng, người bán hoặc sàn giao dịch phải thu thuế VAT theo mức tại nước của người mua (nghĩa là sàn giao dịch hoặc người bán phải biết thuế VAT của nước khách hàng). Các công ty bán hàng trực tuyến phải thu VAT ngay cả khi giao dịch diễn ra thông qua các kho hàng có trụ sở tại EU, theo quy định được Ủy ban Châu Âu thông qua vào ngày 11/12/2018.

Tại Đức, một dự luật được thông qua năm 2018 quy định các nền tảng thương mại điện tử như eBay, Amazon phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế VAT chưa thanh toán của người bán ở Đức. Tất cả các nền tảng thương mại điện tử hoạt động tại Đức sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc tuân thủ thuế VAT của người bán trong nước và nước ngoài kể từ ngày 1/10/2019. Khi cơ quan thuế của Đức thông báo cho nền tảng về việc không thanh toán, các nhà khai thác phải trực tiếp thu hồi khoản lỗ hoặc họ tự chịu trách nhiệm về các khoản thanh toán, theo hóa đơn.

Trong khi đó tại Anh, kể từ năm 2016, quốc gia này đã thực thi nhiều biện pháp bổ sung nhằm giải quyết tình trạng “xói mòn” thuế VAT với hình thức mua bán trực tuyến. Các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử như eBay, Amazon có trách nhiệm đảm bảo khách hàng ở nước ngoài của họ đã đăng ký VAT tại Vương quốc Anh. Các công ty không tuân thủ phải đối mặt với án phạt khoảng 10.000 bảng Anh (tương đương 13.500 USD) thậm chí có thể bị kết án hình sự.

Các nền tảng trực tuyến ở Úc, New Zealand phải chịu trách nhiệm về thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với doanh số bán hàng được thực hiện trên nền tảng của họ. Các quốc gia này cũng áp dụng cho việc bán “hàng hóa giá trị thấp”, yêu cầu các nền tảng trực tuyến thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp.

Một quốc gia có chính sách thuế thương mại điện tử gây tranh cãi là Ấn Độ đã ra chính sách “thuế thu tại nguồn”, yêu cầu các trang thương mại điện tử như Amazon phải thu thuế hàng GST và nộp cho chính phủ. Quy định này yêu cầu các công ty phải đăng ký tại mỗi bang (trong số 29 bang) nơi những nhà cung cấp của họ hoạt động. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết việc đăng ký bổ sung và biểu mẫu thuế rất nặng nề. Một số sàn thương mại điện tử tại đây cho rằng quy định làm tăng thêm chi phí cho các công ty khi phải đảm nhận thay chức năng của cơ quan thuế.

Tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 40, quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng.

Các sàn thương mại điện tử căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh thông qua sàn nhận được bao gồm các khoản nhận được qua đơn vị vận chuyển (COD), hình thức trung gian thanh toán và một số hình thức thanh toán khác... để xác định doanh thu kê khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh. Các khoản thuế khấu trừ trực tiếp trên doanh thu là thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập cá nhân.

Theo lộ trình, từ tháng 1/2022 các sàn thương mại điện tử hoạt động tại Việt Nam phải kết nối và cung cấp thông tin người bán hàng đến cơ quan thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: theo quy định, các cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Nhưng theo định hướng của Chính phủ để đơn giản hóa công tác quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh thì trong Thông tư 40 quy định giải pháp là tăng cường việc giám sát, tuân thủ pháp luật giữa người nộp thuế là các tổ chức, cá nhân kinh doanh với nhau. "Điều này làm giảm thiểu đầu mối kê khai, tạo thuận lợi cho cả người nộp và cơ quan thuế".

Duy Vũ

Sàn thương mại điện tử phải chia sẻ thông tin người bán từ 1/1/2022

Sàn thương mại điện tử phải chia sẻ thông tin người bán từ 1/1/2022

Dự kiến, các sàn thương mại điện tử thực hiện kết nối, cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế từ ngày 1/1/2022. Từ 1/8, khi Thông tư 40 có hiệu lực, cơ quan thuế sẽ thực hiện công tác khảo sát, chuẩn bị kết nối dữ liệu.