Trung tâm dạy nghề sửa điện thoại giảm hẳn

Cách đây 7-8 năm, các trung tâm dạy nghề sửa chữa điện thoại di động đặc biệt nở rộ tại TP.HCM. Quảng cáo của các trường dạy nghề sửa chữa điện thoại nhan nhản trên nhiều tờ báo giấy. Có thể kể đến những cái tên như Tân Trí, CPS, HPT, Trung Tân, DDC... cùng với vài trường trung cấp nghề khác. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những cái tên kể trên không còn, số lượng trung tâm dạy nghề có tiếng không đếm nổi trên năm đầu ngón tay.

Chỉ một số trung tâm dạy nghề sửa chữa điện thoại còn bám trụ được thời điểm hiện tại.

“Những năm trước có một lớp đối tượng đi học nghề sửa điện thoại để về quê mở cửa hàng. Tuy nhiên càng về sau kinh doanh cửa hàng nhỏ gặp khó khăn nên nhóm này không còn nữa, có thể là nguyên nhân khiến học viên giảm xuống, các trường dạy nghề vì thế cũng đóng cửa”, ông Đạt Nguyễn - Điều hành hệ thống Di Động Việt, người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành sửa chữa và kinh doanh điện thoại - cho biết.

Ngoài ra, theo ông Huỳnh Phú Hải - Giám đốc chuỗi Bệnh viện điện thoại 24H (TP.HCM), chuyên dạy và sửa chữa điện thoại di động - cho rằng nhiều trung tâm dạy nghề kiểu cũ không có một trung tâm sửa chữa làm bổ trợ nên dễ bị không cập nhật với sự phát triển rất nhanh của ngành điện thoại, khiến năng lực yếu dần và không đáp ứng được nhu cầu phát triển, khiến phải đóng cửa.

“Giảng viên dạy nghề cần phải cập nhật kiến thức liên tục. Học viên càng cần phải có các điện thoại mới để “vọc”, nếu không kiến thức học được sẽ mai một rất nhanh. Vì thế các trung tâm dạy nghề có thêm cả trung tâm sửa chữa thì người dạy và người học sẽ liên tục được cầm máy mới trên tay để sửa chữa và cập nhật khiến kiến thức. Khi đó việc học và dạy mới hiệu quả”, ông Hải phân tích.

Nhu cầu tuyển dụng kỹ thuật viên vẫn rất cao

Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc chuỗi sửa chữa Điện thoại Vui, cho biết nhu cầu tuyển dụng thợ sửa chữa vẫn rất lớn, mức lương cạnh tranh.

“Chúng tôi có khoảng gần chục trung tâm sửa chữa, mở cửa hàng nào khách cũng vào đông nên nhu cầu sửa chữa là cao, do đó nhu cầu cần học viên lớn, không hề suy giảm”, ông Doanh khẳng định. Cũng như ông Đạt, ông Doanh cho rằng nhu cầu học sửa điện thoại để mở cửa hàng giảm mạnh có thể là nguyên nhân khiến nhóm đối tượng đi học ít đi, dẫn đến các trung tâm dạy nghề giảm hẳn.

Tuy nhiên, như đã nói, nhu cầu học việc để vào các trung tâm sửa chữa lớn vẫn cao, không hề suy giảm.

Ông Đạt cho biết nhu cầu tuyển nhân viên kỹ thuật ở chỗ ông vẫn có, tuy nhiên hầu hết sẽ tự đào tạo để đảm bảo chất lượng và văn hoá làm việc.

Nhu cầu sửa chữa điện thoại của người dùng vẫn cao nên vẫn cần nhiều kỹ thuật viên giỏi nghề.

“Các em giỏi nghề làm vài năm sẽ nhảy qua chỗ khác để có mức lương cạnh tranh hơn. Thế là chúng tôi lại phải đào tạo lại lớp mới. Chu kỳ cứ xoay như thế và việc cần nhân viên kỹ thuật luôn có”, ông Đạt giải thích.

Với mức lương thấp nhất cũng tầm 6 triệu đồng/tháng cho một nhân viên kỹ thuật mới, nghề sửa điện thoại vì thế cũng thu hút nhiều người vào nghề, ông Đạt nói. Những người giỏi hơn có thể kiếm nhiều hơn, do đó ngành sửa chữa vẫn đủ hấp dẫn đối với người học.

Ông Doanh cho biết ở Điện thoại Vui nhân viên kỹ thuật ở mức thấp có thể thay thế linh kiện, màn hình, chuông báo,... có thể kiếm 8-10 triệu đồng/tháng. Nhân viên cao cấp hơn có thể thay những linh kiện khó như mặt kính màn hình điện thoại.

“Những người giỏi, sửa chữa được trên bo mạch chủ có thể được trả tới 30 triệu đồng/tháng”, ông Doanh khẳng định. Do đó nhu cầu tuyển dụng nhân viên vẫn cao.

Điện thoại Vui vẫn thường xuyên tuyển từ nhiều nguồn, trong đó có học viên tốt nghiệp từ các trung tâm dạy nghề, tuy nhiên ông Doanh cho rằng nhiều học viên phải được đào tạo lại trước khi làm việc chính thức.

Không chỉ dạy nghề, cần phải dạy cách làm nghề

Ông Doanh cho rằng nhiều trung tâm giảng dạy chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết, năng lực thực hành chưa cao. Bên cạnh đó, nhân viên sửa chữa hiện nay phải ngồi kiểm tra máy trước mặt khách, mở máy hay thậm chí sửa chữa trước mặt khách nên việc giao tiếp với khách hàng rất quan trọng. Do đó bên cạnh tay nghề chuyên môn, người thợ phải biết thêm cả giao tiếp khách hàng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hải cho biết hiện nay học viên đi học được đào tạo để trở thành một nhân viên đa năng. Ngoài việc am hiểu kỹ thuật còn phải biết cách tiếp xúc với khách hàng.

Nhân viên kỹ thuật đồng thời phải tiếp xúc với khách hàng nên cần có kỹ năng khác ngoài chuyên môn.

Bước đầu, người học sẽ được dạy căn bản về điện tử để nắm bắt các nguyên lý, từ đó tạo nền tảng cho mỗi kiến thức về sau, có thể tự mày mò học lên thêm. Sau đó, người học sẽ được các nhân viên đang trực tiếp sửa chữa máy truyền đạt các kiến thức cập nhật về các dòng máy nhằm nâng cao tay nghề.

“Khoá học nhân viên sửa chữa buộc phải cung cấp kiến thức nền tảng để người học hiểu rõ nguyên lý, sau đó phải có chỗ để họ thực hành. Thực hành ngay trên máy hư thực tế chắc chắn khiến họ tiến bộ hơn”, ông Hải nói. Do đó việc cần có một trung tâm sửa chữa đi kèm với trung tâm giảng dạy là rất cần thiết.

Ngoài ra, để nâng cao kỹ năng tiếp xúc khách hàng, học viên cần được huấn luyện về văn hoá ứng xử và các kỹ năng mềm để có thể ngồi ngay tại quầy tiếp xúc với khách, ông Hải nói.

“Ngày nay khách hàng có nhiều thông tin hơn, họ sẽ chọn sửa chữa máy ở những trung tâm sửa chữa uy tín, do đó cơ hội cho các cửa hàng nhỏ lẻ giảm bớt đi”, Giám đốc hệ thống sửa chữa Điện thoại Vui nói.

Do đó, như một lẽ tất nhiên, các trung tâm dạy nghề có nguồn lực mạnh, kiên trì bám trụ thị trường để tạo danh tiếng, đồng thời đào tạo học viên viên có trình độ chuyên môn tốt mới có thể tồn tại.