Thử thách Momo được coi là ảnh hướng xấu tới trẻ em. Ảnh minh họa Internet.

Tại Tọa đàm về bảo vệ quyền riêng tư người dùng khi chuyển sang chính phủ số trong khuôn khổ Diễn đàn Internet 2019 tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Bùi Duy Thanh, Điều phối viên dự án Child Fund, Child Fund tiếp cận và can thiệp với vấn đề an toàn an ninh mạng khoảng 3 năm trở lại đây từ 1 nghiên cứu về cách sử dụng Internet của trẻ em miền núi, sau khi nghiên cứu Child Fund đã xây dựng Quỹ bảo vệ trẻ em toàn cầu để bảo vệ trẻ em trên mạng. Child Fund đã có những nghiên cứu quan sát góc nhìn của trẻ em về bảo vệ quyền riêng tư trên mạng nói chung.

Theo ông Bùi Duy Thanh, trẻ em đều có nhu cầu thể hiện bản thân, hiện nay trẻ em ở lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông dùng Internet để chia sẻ các thông tin hay hình ảnh cá nhân khá phổ biến. Nhưng hầu như các em chưa được trang bị kỹ năng để bảo vệ bí mật riêng tư cá nhân, cũng như chưa hiểu thế nào là bí mật cá nhân cần giữ gìn. Theo các nghiên cứu của Child Fund, nhiều trẻ em nghĩ rằng nội dung chat giữa 2 người bạn, hoặc chat trong nhóm kín với bạn bè là bí mật riêng tư rồi, nên các em cứ chia sẻ thoải mái. Thậm chí ngay cả nhiều người lớn đều có chung hiểu lầm như thế.

Việc trẻ em chia sẻ hình ảnh và thông tin trên mạng cũng có nguy cơ gây nguy hiểm cho chính bản thân các em và gia đình. Để thay đổi nhận thức của các em khi tham gia các hoạt động trên mạng Internet, Child Fund đã xây dựng bộ giáo trình hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng Internet, bộ giáo trình tập trung hướng dẫn tư duy của trẻ biết được những tính chất bình thường, cơ bản nhất trên mạng, giúp trẻ tư duy mỗi khi làm hành động gì đó trên mạng.

Theo ông Bùi Duy Thanh, hiện đang thiếu một chương trình đào tạo trẻ em biết bảo vệ an toàn khi tham gia trên mạng trong nhà trường, giáo trình này thậm chí còn cần thiết với cả các giáo viên. Tuy nhiên, không thể đợi đến lúc xây dựng xong giáo trình về bảo vệ an toàn mạng trong nhà trường. Mà việc hướng dẫn cho trẻ em tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền riêng tư trên mạng phải được cha mẹ học sinh quan tâm hướng dẫn ngay trong gia đình của mình. Trẻ em cần phải hiểu các em cần chia sẻ với bố mẹ về  mọi vấn đề khi các em gặp phải trong cuộc sống, cũng như cần được bố mẹ hướng dẫn các em bảo vệ quyền riêng tư trên mạng.

Còn bà Malavika Jayaram, Quản lý chính sách Trung tâm kỹ thuật số châu Á lại có ý kiến rằng: “Không nên đổ hết lỗi cho người dùng rằng bạn phải học cách dùng, cách bảo vệ quyền riêng tư của bạn, mà các nền tảng phải tận dụng kỹ năng và công nghệ, như đưa đạo đức trí tuệ nhân tạo chẳng hạn. Trong khu vực và trên toàn thế giới vừa qua xuất hiện những scandal gây nguy hiểm cho người dùng mạng xã hội, nên nhất định phải có những cách hữu hiệu để bảo vệ được tính riêng tư và thông tin riêng tư trên mạng xã hội.

Bà Malavika Jayaram cũng cho rằng, trên thế giới đã xuất hiện khá nhiều scandal liên quan đến bí mật riêng tư của người dùng, do đó mỗi người đều phải được bảo vệ tính riêng tư và thông tin riêng tư trên mạng xã hội.

Thời gian vừa qua, dư luận dấy lên lo ngại về những mối nguy hại liên quan đến trò “Thử thách Momo”, trong đó có những clip xuất hiện trên YouTube với hình ảnh kinh dị, lời thoại bạo lực khiến cho trẻ em lo sợ.

Các chuyên gia nhận định, đây là một hình thức bắt nạt, đe dọa trên mạng, khiến cho đối tượng còn non nớt về tâm lý như trẻ vị thành niên sẽ dễ bị lo sợ, hoặc thậm chí hoảng loạn, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, lực học.

Trên mạng còn rất nhiều thông tin có hại cho trẻ em như các thông tin nhảm nhí, thông tin nhảm nhí có hại cho trẻ em. Trẻ bị bắt nạt qua mạng có thể gặp phải những hậu quả như buộc sử dụng rượu và ma túy, bỏ học, không muốn đến trường khiến kết quả học sa sút. Ngoài ra, có lòng tự trọng thấp hơn những đứa trẻ khác, thường gặp những vấn đề về sức khỏe…