Tại buổi tọa đàm trực tuyến về bảo đảm an toàn thông tin khi thực hiện chuyển đổi số do ICTnews tổ chức mới đấy, độc giả Tuấn Hiệp ở Vĩnh Long đặt vấn đề về việc hiện nay nền kinh tế chia sẻ đang phát triển rất mạnh mẽ, việc lưu trữ, thu thập dữ liệu người dùng được coi là việc quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái số. Vậy các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ sẽ cần phải làm gì để bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng và chính doanh nghiệp của mình? 

Trả lời câu hỏi này ông Trần Minh Quảng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm An ninh mạng Viettel cho biết, các doanh nghiệp cần có chính sách thu thập, sử dụng dữ liệu người dùng một cách rõ ràng, phải thông báo và được sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập, sử dụng dữ liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có các giải pháp đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng trong toàn bộ các quá trình lưu trữ, xử lý, sử dụng, truyền tải dữ liệu.

Đối với sở thích sử dụng những phần mềm bảo vệ máy tính của nước ngoài có thể có nguy cơ mất an toàn nào không? Ông Trần Minh Quảng cho biết, hiện nay các phần mềm bảo vệ máy tính của nước ngoài vẫn được khá nhiều người ưa thích và sử dụng. Các phần mềm này có ưu điểm là đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, có thể nói đã được kiểm chứng một cách nhất định trong môi trường thực tế. Tuy nhiên, khi sử dụng các phần mềm này, người dùng cũng gặp phải nhiều khó khăn khi cần sự hỗ trợ trực tiếp từ hãng sản xuất. Ngoài ra, có một số tính năng của các phần mềm này cũng chưa thực sự phù hợp với môi trường Internet tại Việt Nam. Do đó, người dùng có thể cân nhắc lựa chọn sản phẩm bảo mật phù hợp với nhu cầu của mình, trong đó có cả các sản phẩm bảo mật “made in Việt Nam”, vốn được phát triển phù hợp với môi trường nội điạ, đồng thời luôn có ưu thế trong các kênh hỗ trợ người sử dụng.

Đối với các dịch vụ bảo mật cho các thiết bị cá nhân rất cần thiết, nhưng chi phí còn khá cao, nên nhiều người chưa muốn bỏ chi phí để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Ông Trần Minh Quảng cho biết, các thiết bị cá nhân, phổ biến là điện thoại thông minh, đang được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay trên thị trường Việt Nam cũng đã có một số giải pháp bảo mật dành cho các người dùng này, chẳng hạn như các phần mềm bảo mật trên điện thoại thông minh của Viettel, CMC, BKAV… Người dùng có thể tham khảo và sử dụng các phần mềm nội địa này với chi phí không quá lớn để chống lại một số nguy cơ khi sử dụng thiết bị cá nhân như bị phát tán tin nhắn rác, bị lây nhiễm mã độc, bị giả mạo, lừa đảo… Ngoài ra, đối với người dùng di động, các nhà mạng cũng đã có các biện pháp nhất định để đảm bảo an toàn thông tin cho các thuê bao của mình trên môi trường mạng.

Theo VNCERT hiện có 5 loại hình tấn công mạng phổ biến tại Việt Nam trong năm 2018, đó là: Mã độc nguy hiểm, đặc biệt là mã độc tống tiền - ransomware gia tăng tấn công, xuất hiện mã độc tống tiền tấn công vào các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng… và điện toán đám mây, nhiều loại mã độc có khả năng qua mặt các phần mềm chống virus hiện có; Xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT nhắm vào cơ quan Chính phủ và các hệ thống hạ tầng trọng yếu như ngân hàng, điện lực, viễn thông, hàng không… Gia tăng các cuộc tấn công vào website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; có nhiều cuộc tấn công mang màu sắc chính trị; Xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh đánh cắp thông tin; Khai thác và tấn công từ các thiết bị IoT như camera, smart device…