Chia sẻ trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị phổ biến, tập huấn công tác cải cách hành chính và nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo đánh giá, công tác cải cách hành chính tại Bộ Công Thương đã có những bước tiến đáng kể. Năm 2015, Bộ Công Thương đứng ở vị trí 17/19 Bộ. Đến 2017, Bộ đã vươn lên đứng thứ 12, tăng 5 bậc. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính đều ở vị trí. Cụ thể, lĩnh vực tài chính công đứng thứ 2/19 Bộ; hiện đại hóa hành chính đứng ở vị trí số 1 trong các bộ, ngành. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đều đạt những kết quả tích cực.

Theo tin từ cổng thông tin Bộ Công Thương, tại hội nghị, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Cải cách thủ tục hành chính không chỉ ở các con số, cũng không phải thực hiện một lần mà luôn luôn đi cùng với nó trong suốt cuộc đời hành chính bởi thụ tục hành chính là cả vấn đề khoa học. Vì là khoa học nên không có điểm cuối cùng, phải thường xuyên nghiên cứu cải tiến, biến nó thực sự trở thành khoa học trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, cái lớn hơn cả của cải cách hành chính không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề nhân văn bởi đây là cách giao tiếp giữa con người và con người. “Người đến với chúng ta là doanh nghiệp và người dân đó là con người. Trước mặt chúng ta không có các pháp nhân. Khi đến với chúng ta là con người. Chúng ta ở phía xử lý cũng là con người. Khi đã là mối quan hệ giữa con người và con người thì thủ tục hành chính ở giác độ nào đó có thể coi là nhân văn. Một khi là nhân văn phải tìm mọi cách để biến nó thành một thủ tục, một sự liên hệ giữa người và người làm sao văn minh nhất” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phân tích. 

Cũng theo Bộ Công Thương, vừa qua, Bộ này đã kiểm tra công tác CCHC tại 10/30 đơn vị thuộc Bộ (đạt 33,3%), kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 06 đơn vị theo kế hoạch. Qua kiểm, kiểm soát, đoàn đã phát hiện nhiều vấn đề vướng mắc và có kiến nghị trình lãnh đạo Bộ xem xét giải quyết.

Trong công tác đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) và điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương đã ban hành Phương án tổng thể đơn giản hóa TTHC năm 2018. Theo đó, Bộ đã hoàn thành thực thi đối với 52/54 TTHC thuộc phương án hoàn thành 96% kế hoạch đề ra. Bộ cũng đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Hoàn thành việc rà soát, đánh giá để xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC có liên quan giai đoạn 2019-2020 gửi xin ý kiến góp ý của các đơn vị.

Đi cùng với những thuận lợi, Bộ cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể là: Ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho hoạt động CCHC vẫn còn hạn hẹp. Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội của các tổ chức và người dân nên việc thực hiện công tác CCHC cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất liên quan đến công tác CCHC và kiểm soát TTHC còn nhiều. Ngoài ra, cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ do các đơn vị có TTHC thuộc Bộ cũng không tập trung.

Với mục tiêu đo chất lượng công tác CCHC bằng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước bằng việc chuyển dần dang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh. Phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện, gắn với công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC ứng dụng CNTT.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức theo Nghị định 98 năm 2017 của Chính phủ; Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đầu mối  về CCHC của Bộ Công Thương; Tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, tổ chức, tăng cường kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa Asean…