Có lẽ không đâu trên thế giới có những công việc đặc thù trong lĩnh vực IT như ở Việt Nam. Thập niên 2000, khi máy tính cá nhân dần phổ biến, khái niệm cài Win dạo cũng bắt đầu xuất hiện. 

Thời điểm đó, cài Win dạo thường được hiểu là cài đặt hệ điều hành Microsoft Windows XP SP2 không bản quyền trên các máy tính cá nhân, bao gồm cài đặt đầy đủ từ driver đến software để máy tính trở lại trạng thái hoạt động bình thường. 

Ngoài ra, người cài Win dạo tại nhà còn phải trang bị thêm đĩa cài Lạc Việt (một loại từ điển), Vietkey (bộ gõ tiếng Việt), các loại phần mềm diệt virus, các loại font chữ, phần mềm Office... phòng trường hợp gia chủ không có mạng. Bởi thời điểm đó, mạng ADSL vẫn còn khá xa vời với nhiều nhà chứ chưa nói đến cáp quang tốc độ cao. 

{keywords}
Cài Win dạo gắn liền với khái niệm cài Windows XP.

Có thể nói, công việc cài Win dạo không hề đơn giản như nhiều người từng nghĩ. Người cài Win dạo mặc định thường phải biết luôn cả sửa chữa phần cứng lẫn phần mềm với những sự cố thường gặp như máy bật không lên, lỗi chuột click đúp, lỗi cổng USB, jack cắm tai nghe không nhận và lỗi phổ biến nhất: màn hình xanh chết chóc.

“Trước khi cài đặt đã hỏi khách còn dữ liệu gì ở ổ C:\ không, khách nói không thế là mình cứ format rồi hì hục cài đủ phần mềm mất cả tiếng. Xong đâu đấy khách mở lên kêu mất hết dữ liệu, hóa ra toàn lưu ở thư mục My Documents (ổ C:\). Cuối cùng đành hì hụi dùng phần mềm cứu dữ liệu mất thêm cả tiếng đồng hồ”, anh Đức Việt (28 tuổi, diễn đàn Voz) chia sẻ.

Cùng với cài Win dạo, những việc như Ghost máy tính hay đóng băng ổ cứng thường được dân IT làm thêm vào thời điểm đó để cải thiện thu nhập. Tùy việc cài thêm bao nhiêu phần mềm mà phụ phí sẽ tăng thêm ‘tùy tâm’ của người cài Win dạo bởi tất cả đều được ước lượng định tính chứ không có mức giá cố định nào. 

{keywords}
Ngày nay nhiều người đã không biết hoặc không cần đến Ghost máy tính.

Trong đó, Ghost máy tính là cách gọi tắt của việc sử dụng phần mềm Symantec Norton Ghost. Phần mềm này sẽ tạo ra bản sao chép trạng thái nguyên bản của ổ C:\ (hoặc ổ khác tùy chọn) để khi hệ điều hành gặp lỗi thì người cài sẽ bung bản Ghost này ra mà không cần mất thời gian cài đặt lại từ đầu hệ điều hành, driver, phần mềm.

Trong khi đó, đóng băng ổ cứng là sử dụng phần mềm Deep Freeze để khóa ổ cứng ở trạng thái nào đó, thường được áp dụng ở các quán net để ngăn khách hàng truy cập bậy bạ hoặc cài đặt nhiều thứ linh tinh chỉ sau một lần khởi động lại máy tính. Vì game thường xuyên có cập nhật nên các chủ quán net nếu không có kiến thức tin học vẫn phải viện đến sự trợ giúp của những thợ cài Win dạo này. 

Thời đó, giá một lần cài Win dạo khoảng 50.000 đồng, chưa kể phụ phí nếu có. Nếu không biết gì về máy tính mà đem ra cửa hàng, người dùng có thể bị ‘chặt đẹp’ với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. 

Đến khoảng giữa thập niên 2010 khi Windows 7 dần phổ biến ở Việt Nam và các phương thức cài đặt dùng USB Boot xuất hiện, cài Win dạo bắt đầu không còn quá hot như xưa. 

Và cho đến khi Microsoft ép buộc người dùng chuyển sang Windows 10, công việc cài Win dạo bắt đầu mai một dần khi người dùng một phần tự biết cài đặt cơ bản với Windows 10, một phần bởi điện thoại thông minh đã thế chỗ máy tính cá nhân trở thành vật dụng thiết yếu của mỗi người. 

“Lần đầu tiên tự cài Win thấy run run, sau đó bắt đầu mày mò cài cho bạn bè hàng xóm, đổi lại là ánh mắt thán phục đến từ người khác”, anh Minh Đức (30 tuổi, diễn đàn Tinh Tế) bồi hồi nhớ lại.

Phương Nguyễn

Bài học thành công và thất bại của TikTok rút ra cho nền tảng Việt

Bài học thành công và thất bại của TikTok rút ra cho nền tảng Việt

Trước khi lâm vào cảnh lao đao như hiện nay, TikTok đã trở thành một bài học kinh điển (case study) về thành công trên vai người khổng lồ mà các startup công nghệ Việt có thể học hỏi.