Những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai Chính phủ điện tử thông qua việc ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC gắn kết chặt chẽ với ứng dụng CNTT nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC từng nhấn mạnh, cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ từ nhiều năm qua.

Cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ảnh: Internet

Hồi tháng 8, hội nghị “Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2018” đã diễn ra. Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ TTHC - Báo cáo APCI 2018 đã được xây dựng và hoàn chỉnh, với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (doing business) của doanh nghiệp, gồm: khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; đầu tư; đất đai; xây dựng; môi trường; thuế; hải quan. Báo cáo APCI 2018 là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, phân tích chuyên sâu của nhóm chuyên gia kết hợp với sự tham gia tích cực của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả APCI 2018 là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo; giúp cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát TTHC, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019 được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 18/7/2018. Theo Danh mục mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019 là 155 dịch vụ, gồm 87 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 68 dịch vụ công mức 4.

Trong số 155 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện trong thời gian tới, Bộ TT&TT có 63 dịch vụ; Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng có mỗi bộ 10 dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 trong thời gian tới; Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đều có mỗi bộ 9 dịch vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường có 7 dịch vụ...

Đối với 93 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung triển khai trong năm nay và năm 2019, có 85 dịch vụ do cấp tỉnh thực hiện và 8 dịch vụ do cấp huyện thực hiện.

Trong đó, 8 dịch vụ công sẽ được UBND huyện cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 là: Cấp Giấy phép bán lẻ rượu; Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép bán lẻ rượu; Cấp lại Giấy phép bán lẻ rượu (lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước thuộc quản lý của ngành Công Thương); Xét, duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú đang học tại các trường Tiểu học, THPC ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh Tiểu học, học sinh THCS, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người; Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo (lĩnh vực GD&ĐT); Ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; Ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (lĩnh vực hộ tịch thuộc quản lý của ngành Tư pháp).