Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: "Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động liên thông hồ sơ với các dịch vụ công của các Bộ ngành, các doanh nghiệp tại Trung ương như: Thủ tục hành chính về đăng ký, thành lập doanh nghiệp, các thủ tục về lĩnh vực tư pháp, thủ tục đất đai. Tuy nhiên, trong quá trình liên thông đã gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là việc sử dụng thống nhất một ứng dụng chưa thể thực hiện, dẫn đến tình trạng hiện nay chỉ liên thông dữ liệu chưa liên thông quy trình giải quyết thủ tục".

Cụ thể, việc xử lý vẫn được thực hiện tại các hệ thống do các Bộ, ngành triển khai, song mỗi hệ thống lại có quy trình khác nhau, dữ liệu liên thông có kết quả khác nhau, hình thức liên thông khác nhau và đặc biệt là hệ thống tài khoản đăng nhập khác nhau.

Từ đó, đó dẫn đến tình trạng càng liên thông thì địa phương phải sử dụng nhiều hệ thống, nhiều quy trình và nhiều tài khoản khác nhau. Điều này dẫn đến nguy cơ kìm hãm và tạo tâm lý khó khăn cho các địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn trên phạm vi toàn quốc, hoặc hệ thống thông tin liên quan tới nhiều cấp, ngành khác nhau, chẳng hạn hệ thống thông tin về đất đai, đăng ký kinh doanh, quản lý và cấp giấy phép lái xe, quản lý tư pháp hộ tịch ... nhưng các hệ thống thông tin thường được triển khai một cách độc lập, chưa có sự kết nối, trao đổi chia sẻ dữ liệu để giảm bớt sự trùng lắp thông tin.

Mặt khác, một số hệ thống thông tin đã được địa phương triển khai, sau đó các cơ quan Trung ương lại triển khai hệ thống tương tự, ví dụ như việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành tư pháp, y tế, giao thông vận tải,… dẫn tới đầu tư trùng lắp, lãng phí và gây áp lực cho cán bộ, công chức tuyến cơ sở (cùng một công việc phải xử lý, cập nhật thông tin trên nhiều hệ thống).

Lãnh đạo các địa phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng, quy định, quy trình liên thông giữa Trung ương và địa phương nhằm đảm bảo thống nhất hoạt động; đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hệ thống xác thực tài khoản thống nhất cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn quốc nhằm đảm bảo mỗi cán bộ, công chức, viên chức chỉ duy nhất một tài khoản để sử dụng cho các hệ thống.

Mặt khác, hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia của các địa phương là rất lớn. Điển hình là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ trong các lĩnh vực tư pháp, dịch vụ hành chính công, y tế…

Vì vậy, Chính phủ cần có phương án thúc đẩy nhanh quá trình vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ cho nhu cầu cấp bách hiện nay; Sớm rà soát, ban hành các quy định về chia sẻ dữ liệu, tránh trường hợp cát cứ dữ liệu với lý do bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin.