Theo Văn phòng Chính phủ, là một công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành trong cải cách, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được xây dựng và đưa vào vận hành.

Cổng thông tin này đánh giá nỗ lực của các bộ, ngành với 3 nhóm chỉ số thành phần gồm công khai minh bạch, kết quả cải cách và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị.

{keywords}
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh sẽ giúp nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Ảnh minh họa: Đỗ Hằng)

Đến nay, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh, giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Để tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành công cụ cải cách này và đảm bảo duy trì tính bền vững của công tác cải cách thể chế, tập trung vào các quy định kinh doanh, Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Bên cạnh đó, từ tháng 8/2022, hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính cũng được đưa vào vận hành chính thức.

Hệ thống có 5 nhóm chỉ số thành phần: công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; kiểm soát thực thi “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường  kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.

{keywords}
{keywords}
Kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của các địa phương và bộ, ngành.

Thời gian qua, các nền tảng, hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ như Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao… cũng đã tiếp tục được phát triển. Qua đó, góp phần vào việc đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cấp và cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, với trục liên thông văn bản quốc gia, 9 tháng đầu năm nay, đã có hơn 4,7 triệu văn bản điện tử được gửi nhận qua trục, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến nay, đã có tổng số trên 14,5 triệu văn bản được gửi, nhận qua hệ thống, trung bình khoảng 550.000 văn bản/ tháng; 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử và 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân.

Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Bộ VHTT&DL, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Hưng Yên, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Tuyên Quang là những bộ, tỉnh thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 41,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,75 lần so với cùng kỳ năm 2021; hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ cổng, tăng hơn 2,6 lần so với cùng kỳ; hơn 2,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính từ khi khai trương vào tháng 11/2019 đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.812 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4; có hơn 736 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 130 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,93 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 2,72 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,8 nghìn tỷ đồng.

Vân Anh

Đề xuất lập Tổ công tác chung về thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Đề xuất lập Tổ công tác chung về thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Bộ TT&TT đề xuất giao Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT và một số bộ, ngành liên quan thành lập Tổ công tác chung thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp để triển khai hoạt động một cách đồng bộ, hiệu quả.