Theo CEO Be Group Trần Thanh Hải, sandbox tạo cơ hội cho các DN hoạt động theo mô hình mới nhưng nếu không có chế tài cụ thể thì có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp nội và ngoại.

Ý kiến này được ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group nêu ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019 chính thức khai mạc sáng nay (3/10).

Be Group được biết đến với vai trò là một start-up công nghệ thuần Việt hoạt động trong lĩnh vực gọi xe đang gặt hái được nhiều thành công trong thời gian vừa qua với ứng dụng gọi xe "be".

Lý giải về lựa chọn đầu tư và phát triển ứng dụng gọi xe "be", ông Trần Thanh Hải chia sẻ: Thay vì gia công cho người nước ngoài như trước kia thì bây giờ chúng ta phải có những ứng dụng riêng của Việt Nam, Be Group đang đầu tư nghiêm túc cho những nguồn lực để phát triển các ứng dụng. "Hiện nay, nếu cứ chiếu theo khung pháp lý hiện hành thì chúng tôi sẽ bị chậm hơn so với các đối thủ nước ngoài. Cái mà doanh nghiệp rất cần là khung pháp lý. Ngoài ra, điều chúng tôi cần nữa đó là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ để thúc đẩy sáng tạo các ứng dụng CNTT, thuế, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ứng dụng CNTT", ông Hải chia sẻ.

Với tư cách là 1 doanh nghiệp khởi nghiệp đang đầu tư sâu trong ngành công nghệ 4.0, CEO Be Group chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước với những hành động rất cụ thể và thiết thực nhằm thúc đẩy sự thành công của nghị quyết 52 của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, Chính phủ có vai trò quan trọng để giúp thúc đẩy hiện thực hoá các định hướng này để Việt Nam có các doanh nghiệp lớn mạnh trong giai đoạn CMCN 4.0. Dù vậy, để đạt được điều đó, ông Hải cũng đưa ra những kiến nghị rất cụ thể nhằm tạo đà cho doanh nghiệp Việt.

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kích thích đầu tư cụ thể và sâu rộng các lĩnh vực như: cơ sở dữ liệu lớn, máy học, trí thông minh nhân tạo... Vì để hiện thực hoá Nghị quyết này, Việt Nam phải có đầy đủ nguồn lực cả con người lẫn nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng. Các chính sách được ông Hải nhắc đến là ưu đãi thuế khuyến khích cho các doanh nghiệp đang đầu tư sâu hay chính sách thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự trong ngành. Qua đó, có thể kêu gọi khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo, đầu tư vào các nền tảng công nghệ 4.0 và chia sẻ hệ sinh thái để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội.

Vị CEO cũng cho biết cần có cơ chế thí điểm cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh mới. “Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh ý tưởng áp dụng cơ chế sandbox (thí điểm có kiểm soát) của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khi tiếp cận các dịch vụ mới, thay vì cấm đoán mà nên có những thử nghiệm. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có những chế tài khống chế về không gian, thời gian hay thị phần nhất định trong khuôn khổ thí điểm sandbox, tránh để vài doanh nghiệp trong cơ chế thí điểm chiếm những thị phần lớn (do đang được hưởng các cơ chế pháp lý mở - PV) mà tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh”.

Một ví dụ cụ thể được ông Trần Thanh Hải nêu ra đó là việc sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 để có khung pháp lý minh bạch và cân bằng giữa cái cũ và cái mới trong lĩnh vực giao thông vận tải áp dụng công nghệ 4.0.