Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” cùng khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam” là sự kiện lần đầu tiên được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức ngày 9/5.

Bộ TT&TT cho rằng, cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Việt Nam cần phát triển công nghệ để thúc đẩy kinh tế theo cách riêng của mình

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, việc cạnh tranh ở lĩnh vực công nghệ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với cạnh tranh ở cấp độ tài nguyên quốc gia như bất động sản, khoáng sản… bởi không có biên giới, rào cản và tốc độ càn quét rất nhanh.

Mỗi quốc gia và các công ty đều có câu chuyện và lịch sử của riêng mình. Cụ thể, Samsung, LG, Hyundai đều xuất phát điểm là các công ty làm thực phẩm, dệt may, vận tải và sửa chữa. Khi tổng thống Park Chung Hee lên ngôi, với nhiều quyết sách quan trọng cơ cấu nền kinh tế, để rồi những công ty này đều trở thành những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng để đạt được con đường đó, họ có một câu chuyện dài cả nữa thế kỷ để đấu tranh cả về chính sách nhà nước, tài quản trị, tinh thần dân tộc, sự sáng tạo và tính kiên trì, kỷ luật trong lao động.

Chính vì thế, Việt Nam cũng cần phải có câu chuyện phát triển công nghệ của riêng mình, không thể nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc… để sao chép. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp kinh tế Việt Nam bứt phá nhanh khi nó được thực hiện bài bản, nghiêm túc với tốc độ nhanh. Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn để bứt phá về mặt kinh tế nếu chúng ta tin học hóa hay cao hơn là chuyển đổi số ở các lĩnh vực phi công nghệ như nông nghiệp, phân phối, năng lượng, giao thông, y tế, dịch vụ công…

Để Việt Nam có thể đưa các doanh nghiệp của mình trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ là một bài toán khó vì nó không nằm ở tài nguyên quốc gia mà ở trí tuệ, tư duy và tốc độ. Các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã đi trước, họ sẽ càn quét tất cả với tất cả thế mạnh của mình từ tài chính, công nghệ. Vì thế để trở thành công ty công nghệ khổng lồ, thay vì bảo hộ ngược, cơ quan quản lý cần giúp tạo sức mạnh cho các công ty công nghệ nội địa thông qua chính sách, vốn… để các đơn vị này có thể tồn tại, phát triển sản phẩm phục vụ cho hàng triệu người Việt, để tạo thành “bàn đạp” trước khi hóa rồng.

Ông Giản cho rằng, các lĩnh vực công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm tốt, dựa trên sự hỗ trợ của chính phủ, đặc thù văn hóa và người dùng như Fintech (tài chính), InsurTech (bảo hiểm), truyền hình OTT, sản xuất nội dung số (nhạc, phim, game, văn học mạng)...

Tháo gỡ các khó khăn về vốn, chính sách, nguồn lực công nghệ cao để DN Việt “cất cánh”

Cũng theo ông Giản, trong 2, 3 năm trở lại đây, các công ty công nghệ Việt Nam phá sản hoặc thu nhỏ quy mô rất nhiều, trong đó từng có những tên tuổi rất lớn đã 1 thời đứng đầu thị trường trong các lĩnh vực: Game, thương mại điện tử… Đây dường như là một nghịch lý với một thị trường rất thuận lợi cho các công ty công nghệ khi có tới hơn 65% dân số sử dụng internet và 80% sử dụng smartphone với giá internet, 4G thuộc loại rẻ nhất thế giới. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về vốn, cơ chế chính sách, nguồn lực công nghệ cao và thiếu các mentor (người hướng dẫn) hàng đầu để dẫn dắt, để chơi những cuộc chơi thực sự của những gã khổng lồ.

Tuy nhiên, thị trường công nghệ hiện nay không phải là không có những tín hiệu tích cực. “Tôi đánh giá rất cao việc VinGroup đã có bước chuyển mình sang công nghệ khi đã tích lũy được một hệ sinh thái cộng với tài chính dồi dào. Tôi cũng hy vọng trong 10 năm tới, Việt Nam có thể có một công ty công nghệ tầm cỡ thế giới với những gì mà Vingroup đang theo đuổi”, ông Giản nói.

Ông Giản cho rằng, các lĩnh vực công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm tốt, dựa trên sự hỗ trợ của chính phủ, đặc thù văn hóa và người dùng như Fintech (tài chính), InsurTech (bảo hiểm), truyền hình OTT, sản xuất nội dung số (nhạc, phim, game, văn học mạng); Big Data/AI, nông nghiệp sạch/nông nghiệp thông minh, giáo dục trực tuyến, E-commerce (thương mại điện tử) và kinh tế chia sẻ như giao thông hay logistic (giao vận).

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ ở Việt Nam, các cơ quan quản lý cần phải đưa ra các chính sách quản lý, thủ tục cấp phép nhanh chóng; có các chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp công nghệ; có các khu thử nghiệm cho các ngành mới…. Ngoài ra, Việt Nam cần có quỹ đầu tư khởi nghiệp chính phủ, bởi vì dòng tiền là mạch máu của các startup, nên cần có nguồn vốn đủ lớn, dể tiếp cận để dễ dàng tăng tốc phát triển cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cần có các nhà mentor chuyên nghiệp, đó chính là lãnh đạo các công ty đã thành công ở trong và ngoài nước, các nhà làm chính sách, các quỹ đầu tư, các bộ ban ngành để ngay khi nhìn thấy cơ hội của một công ty, một lĩnh vực công nghệ có tiềm năng, thì tất cả đều hỗ trợ kịp thời để phát triển từ quản trị, vốn đến chính sách để tăng tốc cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, ông Giản kết luận, Việt Nam cần có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài từ nước ngoài về hay các trường đại học liên kết với các doanh nghiệp công nghệ thành công để đào tạo các hạt nhân công nghệ gắn liền thực tiễn.