CEO VNG Lê Hồng Minh có buổi nói chuyện với ông Henry Hoàng - Chủ tịch Phoenix Holdings - tại sự kiện Forbes Vietnam Tech Summit 2019. Trong phần chia sẻ này, ông Minh nói về khởi nghiệp, về quan điểm của ông với người trẻ, và định hướng của VNG trong vài năm tới.

Ông Lê Hồng Minh (phải) và ông Henry Hoàng tại sự kiện Forbes Vietnam Tech Summit 2019.

Tuyên ngôn những năm 20 tuổi: Sống cuộc sống trọn vẹn

Ông Henry Hoàng: 15 năm kể từ khi anh thành lập VNG. Thế thì khi nhìn lại, vị thế của VNG ngày hôm này có phải điều mà anh đã luôn kỳ vọng và là tầm nhìn mà anh đã luôn có ngày từ những ngày đầu không? Hay là sự tiến hoá trong những kế hoạch và tầm nhìn của anh?

Ông Lê Hồng Minh:  Tôi có một tầm nhìn của riêng cá nhân mình, và thậm chí tự viết một bản tuyên bố về tầm nhìn từ những năm 20 tuổi. Và đến ngày hôm nay, tầm nhìn đó vẫn đúng.

Vào năm 20 tuổi, tôi đã đọc một quyển sách và nó có tác động cực kỳ to lớn đối với tôi. Từ đó tôi viết bản tuyên ngôn về tầm nhìn cá nhân, chính là sống một cuộc sống trọn vẹn, và có tầm ảnh hưởng đến càng nhiều cuộc sống khác càng tốt.

Ở một khía cạnh nào đó, khi nhìn vào hành trình cá nhân của mình, nhìn vào VNG, tôi nghĩ chúng tôi khá hạnh phúc vì đã tác động, ảnh hưởng tích cực đến được cuộc sống của rất rất nhiều người Việt Nam. Đấy là một câu trả lời ngắn dành cho câu hỏi của anh.

Nói tóm lại là mọi thứ đã xảy ra đúng theo sự kỳ vọng của tôi.

Khi khởi nghiệp, hãy trẻ và thiếu kinh nghiệm

Ông Henry Hoàng: Rất nhiều các doanh nhân, tài năng trẻ đang có một thứ đó là tuổi trẻ, thứ mà chúng ta không xem trọng cho đến khi chúng ta đánh mất nó. Nếu anh Minh của ngày hôm nay muốn gửi lời nhắn đến anh Minh của năm 20 tuổi, anh sẽ nhắn gửi điều gì?

Ông Lê Hồng Minh: Tôi thường không nghĩ nhiều về quá khứ, tôi nghĩ nhiều hơn về những việc tôi đang cần làm trong hiện tại và những việc trong tương lai tôi muốn làm.

Chúng ta nghe rất nhiều bài diễn văn của những người có vẻ rất là thành công, nhưng các bạn phải có lòng tin, tầm nhìn của chính mình, phải hiểu nội tại mình.

Tại VNG, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều trong nội bộ của mình, chúng tôi không còn là công ty trẻ và sắp ăn mừng sinh nhật 15 năm. Kinh nghiệm rất là tuyệt vời nhưng cũng ngăn cản khiến chúng ta không làm được nhiều điều. Giữa những người còn trẻ thiếu kinh nghiệm với những người có rất nhiều kinh nghiệm nhưng lại rất cẩn trọng hơn, sự lựa chọn nào tốt hơn thì rất là khó nói. Nhưng nếu chúng ta là một doanh nhân khởi nghiệp, tôi mong rằng các bạn là những người còn trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Tôi muốn chia sẽ chút về anh Khải (ông Vương Quang Khải - Phó TGĐ VNG). Anh có một chính sách là khi anh ấy xây dựng Zing News, anh ấy không thuê những người có kinh nghiệm. Anh ấy không quan tâm người phóng viên này có tiếng tăm hay kinh nghiệm như thế nào, nếu bạn lớn hơn 30 tuổi, bạn sẽ không xin được việc ở Zing đâu. Vì những người có kinh nghiệm, họ sẽ không được gì nữa.

Hãy làm bằng mọi giá, đừng chết là được

Ông Henry Hoàng: Nhìn vào các công ty công nghệ từ 15 tuổi trở lên, việc luôn giữ nền văn hoá, tư duy sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thì mình có sẵn sàng thuê những người trẻ, tài năng và sẵn sàng trao cho họ nguồn lực tài chính và nền tảng hay một yếu tố nào khác?

Ông Lê Hồng Minh: Rõ ràng việc có những người trẻ và đam mê rất là quan trọng, đó là điều mà chúng tôi muốn đạt được nhưng rất khó và không dễ dàng. Thật khó để xây dựng được các sản phẩm mới, tiếp tục sáng tạo trong một tổ chức đã rất lớn với rất nhiều người kinh nghiệm, người bận rộn. Đây chính là cuộc đấu tranh hằng ngày của chúng tôi và cả bản thân tôi nữa.

Và câu trả lời cuối cùng mà tôi có thể đưa ra là nó thật sự phụ thuộc vào ý chí, mong muốn của những người nòng cốt luôn muốn sáng tạo, muốn thúc đẩy giới hạn và không sợ thất bại.

Và câu trích dẫn tôi thích nhất chính là: “Hãy làm bằng mọi giá, chỉ cần đừng chết là được”.

Không quan trọng bạn là quản lý, CEO của một công ty khởi nghiệp lớn hay nhỏ, chính bạn là người tạo ra sự khác biệt lớn.

Ví dụ minh hoạ, là hôm qua tôi có cuộc họp và người quản lý của dự án nói với tôi rằng họ đã làm nhiều công việc nhưng bởi vì đội ngũ khác không hoàn thành được công việc, nên họ bị chậm tiến độ dự án.

Câu trả lời của tôi dành cho người quản lý dự án là: “Tôi không quan tâm ngàn lý do của anh, đơn thuần là anh đã thất bại thôi”. Và với tôi đó là tư duy quan trọng nhất để chúng tiếp tục giữ và tiến tới phía trước mạnh mẽ.

Chúng tôi đã thất bại rất nhiều, trong quá khứ và kể cả tương lại. Nhưng điều mấu chốt là tôi muốn giữ tư duy cho mọi người trong tổ chức của tôi, đó là nếu bạn thất bại thì đó là vì bạn, hoặc là bạn chưa đủ giỏi, chưa làm việc chăm chỉ, chưa cống hiến 100% của mình.

       Nếu bạn thất bại thì đó là vì bạn, hoặc là bạn chưa đủ giỏi, chưa làm việc chăm chỉ, chưa cống hiến 100% của mình. (Lê Hồng Minh - CEO VNG)

Chúng tôi cũng đã thảo luận về sự khác biệt giữa công ty trẻ và công ty đã có tuổi rất nhiều. Vẻ đẹp của tuổi trẻ là mình không nghĩ quá nhiều về hậu quả cuộc việc thất bại. Các công ty lớn có rất nhiều thứ khiến họ sợ hãi, đó có thể là danh tiếng. Cho nên tôi rất khâm phục các công ty khởi nghiệp trẻ.

Ông Henry Hoàng: Anh có điên rồ không khi rời khỏi PWC để bắt đầu làm game không?

Ông Lê Hồng Minh: Tôi là một người không hề sợ hãi. Có một định nghĩa chuẩn là dũng cảm không phải là không sợ, mà là sợ nhưng vẫn làm. Triết lý của tôi là miễn là không chết, thì không phải sợ bất cứ điều gì.

VNG sẽ dịch chuyển từ online sang offline

Ông Henry Hoàng: VNG đã trưởng thành, đâu là sản phẩm quan trọng nhất và sẽ được đầu tư nhiều nhất trong vòng từ 3-5 năm tới?

Ông Lê Hồng Minh: Chúng tôi nghĩ rằng, Internet Việt Nam đang chuyển dịch từ không gian online sang không gian vật lý (không gian thật). Nếu chúng ta nhìn vào các công ty lớn trên thế giới, trừ Amazon, thì Google, Facebook, các công ty game,… đều có các sản phẩm ban đầu là online, mô hình kinh doanh kiếm tiền bằng quảng cáo trên các nền tảng của mình mà thôi.

Chúng tôi thì có game, người sử dụng trả tiền để chơi game. Bây giờ các công ty này đã đến giai đoạn trưởng thành, chẳng hạn như đối với mảng game truyền thống của chúng tôi muốn phát triển thì phải bước ra khỏi Việt Nam để tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Và trong vòng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều các công ty bước ra thế giới thật, như Grab, Uber, Airbnb, và rất nhiều công ty thương mại điện tử,… họ chuyển dịch dần từ không gian online sang môi trường thực tế. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội và xu hướng công nghệ, Internet sẽ dịch chuyển ở Việt Nam trong vòng 3-5 năm tới.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cái mà Grab đang giải quyết cho thị trường hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu giao thông vận tải của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nhiều lĩnh vực chưa khai phá: ăn uống, thực phẩm, tài chính, chăm sóc sức khỏe. Công nghệ sẽ chạm đến tất cả khía cạnh của cuộc sống.

Amazon không thể trở thành công ty ngàn tỷ đô nếu họ chỉ kinh doanh trực tuyến. Và hiện tại, họ đang thử nghiệm rất nhiều mô hình mới như các cửa hàng tiện lợi Shop and Go.

VNG có thể am hiểu về online, nhưng thế giới offline lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi hiểu việc quản lý hàng trăm ngàn tài xế không hề đơn giản. Vấn đề lớn nhất là khác biệt về kỹ năng, công nghệ để quản lý.

         Nhưng ở đâu khó thì ở đó có cơ hội, thậm chí rất nhiều cơ hội. (Lê Hồng Minh - CEO VNG)

Hiện nay chúng tôi làm tốt về phần mềm, về nội dung nhưng logistics, dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm... là những kiến thức chuyên môn phải học hỏi rất nhiều. Để tham gia vào những lĩnh vực này, bạn cần phải có chuyên môn, thêm nữa là rất nhiều nguồn lực vì chúng ta đang nói đến thế giới thực. Nhưng ở đâu khó thì ở đó có cơ hội, thậm chí rất nhiều cơ hội.

Chúng tôi tin là có thể giải quyết được một vài thách thức cụ thể và nếu mà giải quyết thành công thì VNG có thể tăng trưởng 10 đến 20 lần trong những năm tới. Đây cũng là định hướng của chúng tôi.

Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào dịch vụ thanh toán, và gần đây là ra mắt dịch vụ đám mây của VNG, nhắm tới bài toán hạ tầng. Không có hạ tầng đủ mạnh thì chúng ta không thể phát triển hệ sinh thái dịch vụ rộng khắp được.

Ngoài ra, chúng tôi đang làm một số dự án nhỏ về công nghệ rất thú vị. Khoảng 4 tháng trước, tôi có đọc báo và thấy rằng TP.HCM đang rất vất vả trong việc triển khai vé xe bus điện tử. Tôi muốn biết vấn đề gặp phải là gì nên đã gặp gỡ cơ quan quản lí. Thật ra từ trước tới giờ chúng tôi chưa làm ở mảng giao thông nhưng chúng tôi quyết định là sẽ thử.

Và cách đây vài ngày chúng tôi vừa phối hợp cùng Thành phố triển khai thí điểm thanh toán điện tử và vé điện tử trên một số tuyến xe buýt công cộng trong TP.HCM. Nhóm dự án bao gồm các bạn rất trẻ, khoảng 20 người dưới 30 tuổi và các bạn chưa bao giờ có kinh nghiệm làm về vé xe bus hay vé điện tử. Đây là một trong những ví dụ về việc chúng tôi đang cố gắng học hỏi và chuyển dịch kinh doanh đưa online sang thế giới thực.

Công ty nào rồi cũng “chết”

Ông Henry Hoàng: Chúng tôi nghĩ là trước sau gì Facebook cũng chết thôi. Anh biết sao không? Cách đây 10, 12 năm nếu ta nói Yahoo sẽ chết thì không ai tin, vì hồi đó ai cũng dùng. Nhưng rồi chuyện đó đã xảy ra, đây là những gì hoàn toàn có thể xảy ra đối với các công ty công nghệ. Vòng đời của các công ty công nghệ thực ra rất ngắn.

Ông Lê Hồng Minh: Đương nhiên là công ty nào rồi cũng sẽ đến ngày phải ra đi thôi. Amazon cũng có thể ra đi, chúng tôi cũng sẽ ra đi nhưng chúng tôi sẽ cố gắng khiến cái chết đến càng chậm càng tốt.

Mỗi một mùa sinh nhật VNG, thì chúng tôi đều mong chúng tôi sẽ sống sót thêm được 1 năm nữa.