Mục tiêu của Chính phủ sẽ hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với những trọng tâm chỉ đạo điều hành. Chính phủ sẽ nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chính phủ sẽ xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.

Chính phủ cũng sẽ phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Chính phủ xác định nền tảng ICT là động lực quan trọng và sẽ được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội. Chính phủ sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án công nghiệp trọng điểm. Khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông... Triển khai hiệu quả Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông. Phấn đấu tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 8,57%.

Chính phủ sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động từ 30% - 50%. Phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Phấn đấu có 140 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Chính phủ cũng sẽ tập trung nâng cao Chỉ số về Chính phủ điện tử với ba nhóm chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với việc tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.