Ngày 16/7, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 88 điểm cầu trong cả nước. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Bộ TT&TT.

Doanh nghiệp bưu chính thể hiện rõ vai trò trong đại dịch

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhìn nhận điểm nhấn của lĩnh vực bưu chính trong 6 tháng đầu năm 2021 không chỉ thể hiện ở tốc độ tăng trưởng 23% và doanh thu thuần đạt 900 triệu USD mà ở vai trò của ngành được thể hiện rõ trong đại dịch:

Tất cả doanh nghiệp bưu chính đặc biệt là các doanh nghiệp bưu chính lớn như Viettel Post, Vietnam Post… là những đơn vị chủ lực trong duy trì lưu thông hàng hóa, đặc biệt là không làm gãy chuỗi phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng”.

Các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, Postmart được đẩy mạnh giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp bưu chính tham gia hỗ trợ bà con trong vùng dịch bằng cách tổ chức hàng trăm điểm bán hàng bình ổn tại TP.HCM, giúp người dân có chỗ mua bán hàng hóa và góp phần bình ổn giá cả.

Thứ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy, phát triển lĩnh vực bưu chính thông qua tận dụng tối đa thành tựu của công cuộc chuyển đổi số, đưa bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số, đặc biệt là với thương mại điện tử. Đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hình thành một Việt Nam số. Đây chính là sứ mệnh rất lớn.

Năm 2021 sẽ “quét sạch” SIM rác

Trong 6 tháng đầu năm nay đã ghi nhận một số kết quả tích cực và đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông trong phòng, chống dịch Covid-19, cũng như khắc phục tồn tại lâu năm là rác viễn thông. Cơ quan chức năng đã xử lý, thu hồi gần 10 triệu SIM kích hoạt sẵn, chặn gần 200 triệu tin nhắn rác, tăng 200% so với cùng kỳ và chặn 60 triệu cuộc gọi có dấu hiệu giả mạo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, việc thanh tra giám sát rác viễn thông sẽ được thực hiện hàng tuần; đồng thời cá nhân hóa trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý rác viễn thông. Tiến tới xây dựng và triển khai kết nối với dữ liệu căn cước công dân của Công an để sử dụng vân tay trong đăng ký thuê bao.

Để tạo không gian phát triển mới trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ đồng ý cho thử nghiệm Mobile Money. Hiện Bộ TT&TT đã thẩm định xong hồ sơ của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo và kết hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành triển khai trọn bộ 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm: QR Code, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm, nền tảng hỗ trợ truy vết, nền tảng giám sát cách ly và nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Đến hết ngày 30/6 đã có 21 triệu smartphone cài ứng dụng Bluezone, trong đó có trên 15 triệu máy đang hoạt động. Hiện có trên 500.000 điểm đăng ký QR Code và khoảng 120.000 điểm hoạt động với 1,7 triệu lượt người thực hiện quét QR Code hàng ngày và khoảng 6 triệu lượt hàng tuần.

Báo chí cần quyết liệt trong chuyển đổi số

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, nửa đầu năm 2021, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho những sự kiện lớn của đất nước hay trong đại dịch Covid-19.

Dù đã xử lý nhưng thời gian qua vẫn còn một số phản ánh của địa phương, bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động báo chí. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục rà soát lại giấy phép, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.

Một vấn đề được Thứ trưởng Bảo lưu ý là các địa phương cần chủ động rà quét những thông tin xấu độc trên mạng. Do đó, các địa phương nên có bộ phận rà quét thông tin trên mạng để có thể sớm xử lý khi phát sinh vấn đề.

{keywords}
Hội nghị sơ kết được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 88 điểm cầu trên cả nước.

Tham luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo Nhân Dân nêu vấn đề: Các cơ quan báo chí đang đứng trước thách thức phải đẩy mạnh chuyển đổi số và đại dịch Covid-19 được xem là động lực thúc đẩy.

Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra xu hướng hàng đầu của báo chí trên thế giới hiện nay là chuyển đổi số. Doanh thu nội dung Digital tăng 23% mỗi năm và mặc dù chỉ chiếm 6% tổng nguồn thu báo chí toàn cầu, nhưng lại có khả năng tương tác với độc giả, tập hợp nhiều dữ liệu và áp dụng biện pháp phân tích các chỉ số đo lường, phát triển sản phẩm, đó chính là “những trụ cột” của một chiến lược chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần bước đi thậm chí cần phải đi nhanh, đi quyết liệt bởi đó chính là con đường sống còn.

Mô hình chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương đã được ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại hội nghị.  Việc ứng dụng CNTT, AI vào quy trình canh tác, sản xuất đã mang đến hiệu quả cao và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh.

Covid-19 là cơ hội để chuyển đổi số toàn dân, toàn diện

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý tất cả các lĩnh vực trong ngành TT&TT muốn phát triển cần phải tư duy khác về khái niệm và cách tiếp cận.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phải tận dụng cơ hội Covid-19 để chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.

"Muốn tăng trưởng cao phải có không gian mới và không thể dựa trên thị trường truyền thống. Chúng ta phải mở rộng khái niệm về viễn thông để tăng trưởng. Tương tự, các lĩnh vực khác cũng nên tư duy lại về định nghĩa bởi cách mình phát triển là thay đổi định nghĩa, mở rộng nội hàm”, Bộ trưởng nói.

Các công việc quan trọng của Bộ TT&TT cần gấp rút đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021, đó là: Hoàn thiện nền tảng công nghệ số trên toàn quốc giúp cho các tỉnh phòng chống dịch Covid-19; Đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 ở mức 40% hiện nay lên đạt 100% vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, cần sớm đưa trợ lý ảo vào hoạt động để hỗ trợ cán bộ công chức nhà nước; Cấp tần số 4G - 5G; Tập trung xây dựng các sàn nông sản thành sàn thương mại điện tử Việt Nam. 

Duy Vũ

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm

Ngày 16/7, tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2021 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu gợi mở nhiều vấn đề lớn như: Mở rộng thị trường viễn thông, cơ hội cho bưu chính, chuyển đổi số, Make in Vietnam…