Chiều 4/1, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ TT&TT với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng. Buổi làm việc được thực hiện với mục tiêu nhằm giúp Sóc Trăng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số.

Sóc Trăng muốn kinh tế số chiếm 10% cơ cấu vào năm 2025

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 231km và cách Cần Thơ 62km. Tỉnh có diện tích hơn 3.300 km2, với dân số hơn 1,1 triệu người.

Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hiện đã kết nối cho 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã hoàn thành việc xây dựng các mô-đun cơ bản của nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và thực hiện tích hợp tính năng đăng nhập một lần (SSO) cho các hệ thống thông tin. Tỉnh đã triển khai, xây dựng hoàn thành nền tảng xác thực và quản lý định danh tập trung cũng như kênh thông báo.

{keywords}
Buổi họp trực tuyến giữa Bộ TT&TT với lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Đạt

Các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường việc ứng dụng CNTT vào phục vụ công tác quản lý chuyên ngành. Sóc Trăng hiện đã triển khai các hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ liên lạc điện tử, các phần mềm hỗ trợ dạy và học, ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các Trung tâm y tế, Trạm y tế.

Ở thời điểm hiện tại, 100% (1.830 thủ tục) thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh Sóc Trăng đã được cung cấp lên cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, 536 TTHC được cung cấp ở mức độ 3 (chiếm tỷ lệ 29%) và 684 TTHC được cung cấp ở mức độ 4 (chiếm tỷ lệ 37%).

Về phát triển đô thị thông minh, tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án xây dựng Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung đa nhiệm phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2021.

{keywords}
Thống kê mức độ hiệu quả việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại Sóc Trăng.

Định hướng chuyển đổi số Sóc Trăng là kinh tế số chiếm trên 10% tổng sản phẩm trên địa bàn vào năm 2025 và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực đạt 10%. Bên cạnh đó, Sóc Trăng đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ phổ cập thành công smartphone, 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và 80% hộ gia đình trên địa bàn có đường truyền cáp quang Internet.

Du lịch và nông nghiệp thông minh

Chia sẻ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, để chuyển đổi số, Sóc Trăng nên tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và chuyển đổi số ở các cấp cơ sở. 

Với việc xây dựng chính quyền số, Cục Tin học hóa sẽ hỗ trợ Sóc Trăng đưa 100% các DVCTT trên địa bàn lên mức độ 4 ngay trong Quý II/2021. Cục Tin học hóa cũng đề xuất Sóc Trăng nên triển khai họp trực tuyến trên nền tảng Zavi với những cuộc họp có quy mô nhỏ.

{keywords}
Dư lượng thuốc kháng sinh lớn là một trong những vấn đề nan giải của ngành xuất khẩu tôm Việt Nam.

Về nông nghiệp số, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có ưu thế về việc nuôi trồng thủy sản với sản lượng tôm hơn 180.000 tấn mỗi năm. Tuy vậy, bà con nông dân Sóc Trăng thường gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sản phẩm của mình sang các thị trường khó tính, với những quy định ngặt nghèo về tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm nông nghiệp.

Do vậy, bài toán đặt ra đối với ngành nông nghiệp Sóc Trăng là phải kiểm soát được dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi, kiểm soát được dư lượng hóa chất trong quá trình nuôi và xử lý nước, truy soát được nguồn gốc con giống, điều kiện thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ,...

Để giải được bài toán này, ông Đỗ Công Anh cho rằng Sóc Trăng cần phải ứng dụng chuyển đổi số trong việc kiểm soát chất lượng nuôi tập trung, xây dựng được hồ sơ số của con tôm và kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.

{keywords}
Ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa. Ảnh: Trọng Đạt

“Sóc Trăng có thể xây dựng hệ thống thu thập thông tin ngành và cung cấp rộng rãi, công khai. Tỉnh cũng nên áp dụng nền tảng truy xuất nguồn gốc hàng hóa akachain do một doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng cần tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp số.”, ông Công Anh nói.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, nền tảng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng có thể được sử dụng trong việc kiểm soát chất lượng gạo ST25 - một đặc sản thế mạnh khác của tỉnh Sóc Trăng. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng gạo ST25 bị nhái thương hiệu, từ đó góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao giá trị nông sản.

Đối với du lịch số, Sóc Trăng hiện đã phát triển ứng dụng SocTrang Tourism với hơn 1 triệu lượt truy cập trong năm qua. Đây là một kết quả ấn tượng mà tỉnh nên tiếp tục phát huy thông qua việc không ngừng cải tiến, cập nhật ứng dụng.

Cục Tin học hóa cũng đề xuất Sóc Trăng nên triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud nhằm giải quyết việc vận hành, phân phối, kinh doanh - 3 bài toán cấp thiết trong lĩnh vực du lịch hiện nay.

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ “nỗi đau” của chính địa phương

Trao đổi tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương này là lãnh đạo tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng chưa biết làm từ đâu và phải làm gì để chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đáp án cho câu hỏi “chuyển đổi số bắt đầu từ đâu?” là cứ nơi đâu gặp khó khăn, nhất là những khó khăn kéo dài, nơi đó sẽ cần chuyển đổi số trước, vì chuyển đổi số là cách tiếp cận mới cho các vấn đề cũ.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giúp Sóc Trăng giải đáp câu hỏi chuyển đổi số bắt đầu từ đâu. Ảnh: Trọng Đạt

Chuyển đổi số sẽ giải quyết rất nhiều bài toán mà nếu làm theo cách truyền thống sẽ không thể giải được. Thí dụ, tăng tỷ lệ bác sĩ thông qua nền tảng tư vấn sức khỏe từ xa VOVBacsi24 để bà con có thể tiếp cận các bác sĩ giỏi trên toàn quốc; bài giảng video của giáo viên giỏi nhất có thể đến được với tất cả học sinh trên toàn quốc, tại các lớp học thì giáo viên trở thành trợ giảng, thành người hướng dẫn; các hộ nông dân có thể tiếp cận được tới thị trường toàn quốc để mua bán, kinh doanh, làm giầu thông qua các sàn thương mại điện tử.

Đối với vấn đề đào tạo chuyển đổi số, đào tạo sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số, kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là vùng nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nên giao việc này cho các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp này có đủ nguồn lực để thực hiện, và họ có lợi ích trong việc đào tạo này, đào tạo chính là phát triển thị trường cho doanh nghiệp. Đào tạo kỹ năng số thì dạy “trẻ con” trước để “trẻ con” dạy lại người lớn, tức là dạy cho học sinh trước, mỗi tuần các trường học có một giờ để dạy cho các cháu sử dụng các ứng dụng số. Ngoài ra, thời công nghệ số khác thời công nghệ thông tin ở chỗ, các nền tảng số rất dễ dùng, gần như không phải đào tạo.

Chuyển đổi số phải đi vào thực chất, hiệu quả

Chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc chi tiêu cho chuyển đổi số và ứng dụng CNTT phải tạo ra giá trị và giá trị đó phải lớn hơn chi tiêu CNTT, chỉ như vậy chuyển đổi số mới có thể đi vào thực chất.

Bài toán này có thể giải được bằng một cách, đó là bất kỳ khoản chi tiêu nào cũng đều được xem là một dự án. "Chúng ta phải xem dự án đó tạo ra giá trị gì, tiết kiệm được bao nhiêu chi phí cho đơn vị, những giá trị xã hội, giá trị vô hình thì cũng phải tìm cách lượng hoá, những giá trị dài hạn cũng phải lượng hoá. Dự án hiệu quả khi giá trị tạo ra lớn hơn khoản đầu tư. Một đồng bỏ ra thì phải thu về 2-3 đồng. Nếu hiệu quả thì càng chi nhiều càng tốt. Không nên vì ứng dụng CNTT mà người lại tăng, chi phí lại tăng trong khi không nhìn thấy giá trị tăng thêm, không nhìn thấy chi phí giảm, hoặc có nhưng mơ hồ.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Với những vấn đề khó khăn, muốn làm nhưng không biết cách làm, phần mềm nào, nền tảng nào hiệu quả, giá cả thế nào là phù hợp, các địa phương như Sóc Trăng có thể tham vấn Bộ TT&TT. Bộ cũng công khai trên trang web các phần mềm, các nền tảng số đạt chuẩn và giá tham khảo.

Với những nền tảng cơ bản của địa phương, nếu địa phương gặp khó khăn trong lựa chọn doanh nghiệp thì Bộ có thể đứng ra tư vấn điều phối để đạt hiệu quả cao, nhất là những nền tảng dùng chung được.

Trong tháng 1/2021, Bộ TT&TT sẽ thống nhất với địa phương để chỉ ra các nền tảng cơ bản của Sóc Trăng, sau đó lựa chọn một số doanh nghiệp làm.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trọng Đạt

Về hạ tầng số, để mọi người dân đều có điện thoại thông minh, mỗi hộ dân có 1 đường truyền cáp quang và 1 mã địa chỉ bưu chính, tỉnh Sóc Trăng cần đóng vai trò điều phối bằng việc lập quy hoạch phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông, hạ tầng số, đặt ra mục tiêu và điều phối các doanh nghiệp làm, dùng chung hạ tầng để tiết kiệm chi phí, nơi nào khó khăn thì sử dụng Quỹ Viễn thông Công ích.

Trong năm 2020, số tiền Sóc Trăng chi cho CNTT là khoảng 18 tỷ đồng, chiếm 0,1% ngân sách. Đây là mức chi thấp. Mức chi trung bình là 1%. Do vậy Sóc Trăng cần cân nhắc việc dành ngân sách cho CNTT tối thiểu 1%, trong đó 0,1% phải được dành cho an toàn, an ninh mạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự thành công của nhiều quốc gia phát triển không chỉ đến từ yếu tố vật chất mà còn dựa rất nhiều vào tinh thần với một khát vọng, giấc mơ lớn. Báo chí Sóc Trăng phải góp phần khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc của người dân Sóc trăng.

Thời chuyển đổi số thì đặt mục tiêu cao rồi mới nghĩ đến cách làm. Vì đặt mục tiêu cao trước, chúng ta mới nghĩ ra những cách làm đột phá và cách tiếp cận mới. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có đủ năng lực để giúp Sóc Trăng thực hiện thành công chuyển đổi số Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh có thể tin tưởng vào các doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

{keywords}
Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn. Ảnh: Trọng Đạt

Trước những chia sẻ tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, ông rất trân trọng sự nhiệt tình, sẵn sàng sẻ chia của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành TT&TT khi đến với tỉnh, đồng hành và giải quyết những vấn đề mà tỉnh đang gặp khó.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Sóc Trăng nhận thức được rằng để đột phá, cả hệ thống chính trị trong tỉnh phải thống nhất cao và hành động quyết liệt. Tiếp thu ý kiến đóng góp tại buổi làm việc với Bộ TT&TT, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có kế hoạch triển khai đầu tư hạ tầng CNTT, hạ tầng số, các phần mềm và bố trí kinh phí theo hướng tạo ra giá trị, hiệu quả.

Ông Lâm Văn Mẫn khẳng định, tỉnh uỷ Sóc Trăng sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng nghị quyết về chuyển đổi số. UBND tỉnh sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số, hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Trọng Đạt

Bến Tre đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 chỉ trong 2 tháng

Bến Tre đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 chỉ trong 2 tháng

Có thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước, nhưng Bến Tre đã đạt được những thành công bước đầu trong chuyển đổi số, tạo nền móng cho phát triển kinh tế tương lai.