Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT trước quý II năm 2019 phải tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G .

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Mục tiêu của Nghị quyết này là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Liên quan đến Bộ TT&TT, Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT trước quý II năm 2019 phải tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz triển khai mạng 4G trên cơ sở đảm bảo cho các doanh nghiệp viễn thông được thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại buổi họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ ngành sáng 26/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm băng tần 4G. Hiện lưu lượng băng thông dành cho mạng 4G trên băng tần 1800 MHz (đang phục vụ cả mạng 2G) quá thấp so với nhu cầu thực tế, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng 4G. Hiện tốc độ trung bình Inetrnet của Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có phương án cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz để các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 4G và hiện có 4 doanh nghiệp đăng ký. Đây là những doanh nghiệp đã triển khai mạng 4G thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, giữa các bộ ngành liên quan còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện việc cấp phép.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, thiệt hại của doanh nghiệp, xã hội từ việc chậm trễ triển khai mạng 4G lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ việc cấp phép. Còn đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz không chỉ giải quyết bức xúc cho doanh nghiệp viễn thông mà còn bảo đảm công tác thông tin trong hoạt động an ninh, quốc phòng.

Phát biểu tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định mong muốn các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm cho doanh nghiệp, không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.

Hồi đầu năm 2015, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015, chậm nhất là vào đầu năm 2016. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành đấu giá được băng tần 4G.

Mới đây, ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã đưa ra đề nghị Bộ TT&TT xem xét sớm cho Viettel được sử dụng băng tần 2.6GHz để cung cấp dịch vụ 4G. Theo ông Đỗ Minh Phương, Viettel đang dùng băng tần 1.8GHz để triển khai dịch vụ 4G và đã lắp đặt được hơn 34.000 trạm 4G. Viettel mong muốn có được thêm băng tần để mở rộng cung cấp dịch vụ 4G, không chỉ Viettel cần mà ngay cả nhà mạng VNPT cũng rất cần mở rộng thêm băng tần. Trong lúc Bộ TT&TT chưa có phương án cho doanh nghiệp đấu giá thì Bộ TT&TT cho doanh nghiệp "mượn" băng tần 2.6GHz để dùng trước, đến khi nào đấu giá xong, nếu doanh nghiệp không trúng thì cam kết sẽ trả lại cho Bộ. Còn để không như bây giờ rất lãng phí, trong khi nhu cầu doanh nghiệp muốn triển khai càng sớm càng tốt.

“Bộ TT&TT có thể cho các doanh nghiệp ký cam kết, hoặc thậm chí cơ quan chủ quản của Viettel là Bộ Quốc phòng đứng ra ký cam kết, nếu sau này khi Bộ TT&TT cho đấu giá, Viettel trúng thì trả tiền để dùng tiếp, còn không trúng thì trả lại cho Bộ”, ông Phương kiến nghị.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện cũng cho hay, về việc triển khai cấp phép băng tần 2.6GHz, Bộ TT&TT đang xin ý kiến Bộ Tài chính về việc xác định giá trị tài sản. Cục Tần số Vô tuyến điện rất hiểu tâm tư tâm tư của Viettel muốn sớm thúc đẩy khai thác băng tần 2.6GHz. Theo kinh nghiệm của 1 số nước trong khu vực thì họ đã sử dụng băng tần này rất sớm để khai thác hiệu quả băng tần di động.

Đây là lần thứ 4 Viettel chính thức kiến nghị Bộ TT&TT về việc sớm tổ chức đấu giá băng tần 4G hoặc cho doanh nghiệp được mượn băng tần 2.6 GHz để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Hồi đầu tháng 10, trong Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III tại Bộ TT&TT, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cũng cho rằng, băng tần 1800 MHz mà các doanh nghiệp đang triển khai 4G hiện nay không đủ để nhà mạng cung cấp 4G chất lượng tốt. Vì vậy, ông Hoàng Sơn kiến nghị nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần 2.6 GHz và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng.

Ông Sơn nhấn mạnh, nhu cầu có thêm băng tần của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2.6 GHz đang bỏ không sẽ gây lãng phí. Sau khi Bộ TT&TT tiến hành đấu giá, nhà mạng sẽ trả lại băng tần này cho Bộ. Viettel đang tập trung dịch chuyển thuê bao 3G chuyển sang 4G và đã có gần 7 triệu thuê bao 4G. Vì vậy, nhu cầu băng tần để đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng rất bức thiết.