Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 ngày 3/3/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, vẫn phải tập trung tái sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, giải quyết các rào cản để thủ tục thông thoáng, và nhất là vấn đề giải ngân giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đưa ra chỉ thị gồm 6 nhóm giải pháp, đặc biệt là vốn tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử.

Trong vấn đề vấn tài chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng liên tục nhấn mạnh trong điều kiện dịch nay cần tránh thanh toán trực tiếp và đưa nhiều dịch vụ công lên thanh toán trực tuyến.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau hơn hai tháng khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đã có khoảng 80.000 tài khoản đăng nhập một lần, có 2.164.000 bộ thủ tục đồng bộ trên cổng hành chính công, có 5.200 cuộc điện thoại đến tổng đài để giải đáp các vấn đề dịch vụ công, có 4.420 ý kiến của doanh nghiệp và người dân phản ánh những vấn đề khó khăn. Như vậy bước đầu cho thấy triển khai dịch vụ hành chính công giai đoạn này là rất quan trọng.

Bộ trưởng cho biết dự kiến vào khoảng ngày 12 hoặc 13/3 sẽ họp sơ kết 3 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đồng thời khai trương Trung tâm Báo cáo Quốc gia, đồng thời sẽ công bố bổ sung khoảng 15 dịch vụ công nữa. "Như vậy, trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh các vấn đề thanh toán dịch vụ công trực tuyến thay vì thanh toán trực tiếp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, điều này quan trọng nhất là sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia các thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và chi phí không chính thức, đồng thời tạo ra sự minh bạch. Việc này cũng sẽ thể hiện vai trò chính phủ kiến tạo, chính phủ của dân.

Ngoài ra, các nhóm giải pháp khác bao gồm cắt giảm chi phí doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch, vấn đề thúc đẩy đầu tư, giải ngân và vấn đề xử lý - hỗ trợ người lao động bị mất việc và thôi việc. Giải pháp cụ thể cho các vấn đề này sẽ được bàn thảo ở các hội nghị tiếp theo.