{keywords}
 

Năm 2020 chưa kết thúc song tham vọng của Huawei khó hoàn thành và chặng đường phía trước cũng khá gập ghềnh. Từ khi Richard Yu, Giám đốc mảng tiêu dùng, đặt ra mục tiêu cho công ty vào cuối năm 2018, Mỹ liên tiếp gây sức ép lên Huawei và đe dọa chặn đứng nguồn cung linh kiện, phần mềm quan trọng.

Dù non trẻ hơn các đối thủ Samsung, Apple trên mặt trận di động, Huawei lại phát triển thần tốc và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Huawei vẫn chưa thể vượt mặt Samsung như mong muốn của ông Yu. Hàng loạt động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến Huawei bị tổn thương. Theo CNBC, vị trí số 2 của hãng có thể duy trì là nhờ tập trung vào quê nhà Trung Quốc và thị trường mới nổi nhưng lại đánh mất thị phần tại các thị trường quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Đánh mất Google

Tháng 5/2019, Huawei bị Mỹ cho vào danh sách đen, cấm các công ty kinh doanh nếu không có giấy phép. Trong khi đó, Huawei lệ thuộc vào linh kiện và phần mềm từ đối tác Mỹ. Huawei tìm cách xử lý các vấn đề về linh kiện nhưng không được sử dụng dịch vụ Google trên thiết bị di động.

Hạn chế khả năng tiếp cận hệ điều hành và ứng dụng của Google đã gây tác động mạnh nhất đến Huawei. Tháng 3/2020, Chủ tịch luân phiên Eric Xu của Huawei thừa nhận không đạt mục tiêu doanh thu năm 2019 vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dữ liệu từ các hãng nghiên cứu IDC và Counterpoint Research cho thấy rõ điều này. Trong quý I/2019, trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt, thị phần di động toàn cầu của Huawei là 18,9%, đứng sau Samsung, trước Apple. Song, đến quý IV/2019, thị phần giảm còn 15,2%, xếp sau Apple. Quý I/2020, thị phần tăng lên 17,8%, Huawei giành lại vị trí thứ 2 từ tay Apple.

Tuy số liệu dường như khả quan, nó lại không nói lên tình hình tại các thị trường then chốt. Thị phần của Huawei đạt được không chỉ nhờ tập trung vào nội địa mà còn do bán số lượng lớn mẫu mã cũ tại các thị trường mới nổi.

Do Trung Quốc là thị trường khổng lồ, thành công tại đây thường giúp ích cho nhà sản xuất trên thị trường toàn cầu. Thị phần Huawei trong nước tăng từ 35,5% quý I/2019 lên 42,6% quý I/2020, theo IDC. Bộ đôi flagship Mate 30 và P40 ra mắt thiếu Android không phải vấn đề lớn vì dịch vụ Google bị Trung Quốc cấm từ lâu. Người dùng smartphone Trung Quốc không quen sử dụng các ứng dụng này.

Dù vậy, nó trở thành thách thức tại thị trường ngoại, nơi người dùng phụ thuộc vào nhiều dịch vụ Google như Gmail, bản đồ và công cụ tìm kiếm. Ngược lại, các hãng như Xiaomi hay Samsung vẫn đang bán smartphone chạy Android.

Thành công ngắn hạn

Huawei tìm thấy thành công ngắn hạn với chiến lược đẩy thiết bị đời cũ sang các thị trường mới nổi để tăng thị phần toàn cầu. Chúng được phát hành trước lệnh cấm vận của Mỹ. Chẳng hạn, tại khu vực Đông Âu, thị phần Huawei trong quý đầu năm nay là 26,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2019, theo Counterpoint Research. Thị phần tại châu Á, không tính Trung Quốc và Ấn Độ, cũng cao hơn. Theo IDC, thị phần Huawei tại Mỹ Latinh cũng tăng trong quý I/2020 so với một năm trước.

Các nhà phân tích nhận định chiến lược này giúp thị phần của hãng có độ đàn hồi nhưng không bền vững. Bryan Ma, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu thiết bị của IDC, cho rằng thiếu dịch vụ Google trên flagship là rắc rối lớn với tham vọng của Huawei tại những thị trường phát triển. Công ty có thể tạm thời ổn nhờ tập trung vào mẫu máy cũ hơn, thấp cấp hơn tại vài nước mới nổi nhưng chỉ đi được tới đây.

Đối thủ của Huawei như OPPO, Xiaomi trong khi đó vẫn có thể phát hành thiết bị sử dụng Google Android và tấn công tại các thị trường lớn như Tây Âu. Thị phần Huawei tại đây giảm mạnh từ 24,3% quý I/2019 xuống 18,2% quý I/2020. Tại Ấn Độ, thị phần của hãng cũng chỉ còn 0,4%, giảm từ 3,4% trong cùng kỳ.

Tương lai bất định

Huawei đã ra mắt hệ điều hành riêng Harmony OS để thay thế Android. Harmony OS có kho ứng dụng riêng và các dịch vụ khác tương tự Google. Quan chức công ty nói rằng nó có thể “ngang ngửa” nền tảng của Google và Apple song các chuyên gia không nghĩ như vậy. Họ nghi ngờ khả năng thành công của Harmony OS  tại quốc tế vì thiếu các ứng dụng quan trọng.

Trên hết, chiến dịch chống Huawei của Washington vẫn tiếp diễn. Tháng trước, Mỹ thông qua quy định buộc các nhà sản xuất nước ngoài đang sử dụng thiết bị, công nghệ sản xuất chip của Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán bán dẫn cho Huawei. Động thái này nhằm cắt đứt nguồn cung chip từ TSMC cho Huawei. TSMC đang cung ứng phần lớn linh kiện cho công ty Trung Quốc.

Đây sẽ là đòn chí mạng tiếp theo đối với Huawei. Kết hợp với lệnh cấm Google, con đường phía trước tỏ ra mịt mờ khi Huawei khó có thể đưa ra một smartphone có tính cạnh tranh cả về phần cứng lẫn phần mềm.

Du Lam (Theo CNBC)

 

Hai hãng viễn thông Canada loại Huawei khỏi cuộc chơi 5G

Hai hãng viễn thông Canada loại Huawei khỏi cuộc chơi 5G

 Nhà mạng Telus và Bell của Canada chọn mua thiết bị mạng 5G của Nokia và Ericsson thay vì Huawei.