Chính thức vận hành hệ thống kết nối liên thông Trung ương và địa phương từ tháng 1/2019 | Đưa vào vận hành chính thức hệ thống kết nối, liên thông HTTT ở Trung ương và địa phương

Cục Tin học hóa hiện đã kết nối thành công Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương đến địa phương Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp do Bộ KH&ĐT để khai thác thông tin về đăng ký doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong thông tin giải đáp phản ánh, kiến nghị của các Sở TT&TT địa phương, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT cho biết, để thực hiện kết nối với các hệ thống thông tin của Trung ương với địa phương theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, thời gian qua Bộ TT&TT đã xây dựng Hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương đến địa phương (National Government Service Platform - NGSP).

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Cục Tin học hóa công bố hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương do Bộ TT&TT xây dựng đã chính thức được đưa vào vận hành.

“Từ nay, chúng tôi sẽ tiếp nhận các yêu cầu kết nối chính thức về kết nối trao đổi dữ liệu thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau, không chỉ là song phương. Nghĩa là, chúng ta có thể 63 tỉnh kết nối với nhiều hệ thống của một Bộ và ngược lại các Bộ cũng có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau. Ví dụ, mới đây Bộ Giao thông Vận tải và Bộ KH&ĐT đăng ký kết nối để phục vụ cho việc cấp đăng ký phù hiệu xe và đăng ký kinh doanh vận tải, họ rất mừng vì rút ngắn được rất nhiều hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; rút ngắn được thời gian xử lý của cán bộ ở bộ phận giải quyết thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.

Thông tin từ Cục Tin học cũng cho hay, trong năm 2018, Cục đã tổ chức triển khai kết nối các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương. Theo đó, đến nay Cục Tin học hóa đã kết nối thành công với Bộ KH&ĐT để khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Bộ Tư pháp để khai thác hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tập trung và CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; đã kết nối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để cho phép khai thác Cơ sở dữ liệu về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. “Cơ sở dữ liệu này hiện có khoảng 92 triệu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, gần như toàn bộ người dân Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với một số Bộ, ngành khác”, đại diện Cục Tin học hóa nói.

Đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, Cục đã hỗ trợ một số bộ, địa phương kết nối đến các cơ sở dữ liệu quốc gia kể trên. Đơn cử như Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Bộ Giao thông Vận tải đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT; Đắk Lắc, Sóc Trăng, Hà Nam, Hưng Yên, Tây Ninh, Hải Dương, Tuyên Quang đã kết nối đến hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến tập trung của Bộ Tư pháp; Thừa Thiên Huế đang kết nối thử nghiệm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật và Cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cuối tháng 12/2018, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 23 hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020. Thông tư mới của Bộ TT&TT quy định rõ thứ tự ưu tiên đầu tiên trong đầu tư ứng dụng CNTT thuộc Chương trình này là các Bộ, tỉnh phải đầu tư xây dựng một nền tảng chia sẻ tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (Local Government Service Platform - LGSP)  làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử cấp Bộ, chính quyền điện tử cấp tỉnh theo kiến trúc hướng dịch vụ.

Yêu cầu đặt ra là LGSP của bộ, tỉnh cần phải kết nối được với CSDL quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương thông qua Hệ thống kết nối liên thông hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương - NGSP; tuân thủ quy định tại Thông tư 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định các yêu cẩu kỹ thuật về kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cũng tại phiên trao đổi, thảo luận với các địa phương, doanh nghiệp trong khuôn khổ hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Tin học hóa đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu nội dung Thông tư 23 mới của Bộ TT&TT và áp dụng, triển khai quy định nêu trên.