Một nghiên cứu vừa được công bố trên tờ Nature Human Behavior cho thấy não của những người từng chơi game Pokemon khi còn bé có một vùng não ứng đặc biệt với các hình ảnh hoạt hình. Kết quả nghiên cứu này cho chúng ta cái nhìn mới về cách não bộ tổ chức thông tin thị giác.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 11 người thành thạo trò Pokemon (từng chơi ở giai đoạn từ 5 - 8 tuổi và vẫn chơi lại lúc đã trưởng thành) và 11 người chưa từng chơi. Đầu tiên, họ đã kiểm tra mức độ thành thạo của toàn bộ 22 người bằng cách hỏi tên gọi của các pokemon. Sau đó, những người tham gia được cho một loạt hình ảnh bao gồm 150 hình pokemon và nhiều hình ảnh khác như khuôn mặt, kí tự, đồ vật... 

Choi Pokemon tu nho giup ban co mot 'vung nao dac biet' hinh anh 1
Những người từng chơi game Pokemon khi còn bé có một vùng não ứng đặc biệt với các hình ảnh hoạt hình. Ảnh: @Lunumbra.

Các nhà nghiên cứu thực hiện scan não bộ của những người tham gia trong quá trình họ nhìn các hình ảnh này. Kết quả cho thấy vùng khe não ngăn giữa vùng chẩm và thái dương của những người thành thạo tạo ra những phản hồi mạnh mẽ với các hình ảnh về pokemon hơn so với các hình ảnh khác. Đối với những người chưa từng chơi, phản ứng là không đổi.

Kết quả không có gì bất ngờ, việc não bộ thay đổi khi bạn làm một việc gì đó thường xuyên và liên tục đã từng được biết đến với tên gọi "tế bào Jennifer Aniston". Chúng ta được biết là mỗi người có các cụm não nhất định phản ứng với những hình ảnh nhất định. Tuy nhiên, ẩn số khoa học đến nay chưa có lời giải là con người phân biệt hình ảnh bằng cách nào. Nghiên cứu này đã mở ra một hướng đi mới.

Các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ cách thức não bộ phân biệt hình ảnh này với hình ảnh khác: dựa trên hình ảnh thực hay mô phỏng, hay dựa trên hình dáng... Đồng tác giả nghiên cứu này, nghiên cứu sinh tâm lý Jesse Gomez cho biết có thể quan sát não bộ của những đứa trẻ, dựa trên nghiên cứu ông từng thực hiện với loài khỉ.

Tuy nhiên điều này là không khả thi, vì theo Gomez, "bắt một đứa trẻ ngồi 8 tiếng mỗi ngày, chỉ để nhìn một loại hình ảnh và xem phản ứng của chúng là vô cùng phi nhân đạo". Vì để thực hiện thí nghiệm này, những đứa trẻ cần phải nhìn vào cùng những loại hình ảnh giống nhau, với cùng độ sáng, ở cùng một khoảng cách, lặp đi lặp lại nhiều lần.

Điều này là hoàn hảo với những đứa trẻ chơi game Pokemon khi còn bé. Bọn trẻ thường dành hàng giờ bên các máy chơi game, từ một khoảng cách tương đối giống nhau, để nhìn những hình ảnh đen trắng trên Game Boy. 

Kết quả từ nghiên cứu này đã bổ sung thêm cho thuyết "thiên kiến lệch tâm", một thuyết cho não bộ phản ứng khác nhau đối với các hình ảnh có kích thước khác nhau nằm ở vị trí tầm nhìn trung tâm hay ngoại vi. Ví dụ như ở hình ảnh dưới đây:

Choi Pokemon tu nho giup ban co mot 'vung nao dac biet' hinh anh 2
Thuyết "thiên kiến lệch tâm" cho biết khi tập trung nhìn vào chấm đỏ, chúng ta sẽ có xu hướng nhìn rõ hướng quay của chữ C ở mép ngoài (khu vực ngoại vi) hơn so với ở khu vực gần chấm đỏ (khu vực trung tâm). Ảnh: UCL.

Thuyết "thiên kiến lệch tâm" cùng nghiên cứu của nhóm Gomez giải thích thêm về hành vi của con người, mà ở đây là hành vi thị giác. Qua đó, thêm một hướng giải thích cho lý do vì sao chúng ta có thể nhận biết tốt hơn những hình ảnh này so với các hình ảnh khác.

Nhóm nghiên cứu của ông cũng dự kiến sẽ sử dụng game Pokemon để nghiên cứu thêm hành vi về thính giác.