Thông tin trên được ông Chính đưa ra tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 được Bộ TT&TT và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức hôm nay, ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.

Cụ thể, ông Chính cho rằng, CMC xác định có thể tham gia xây dựng nền tảng số cũng như tạo ra giá trị trong nền kinh tế số. CMC mong muốn cung cấp dịch vụ số không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả các nước khác, xây dựng Việt Nam trở thành một Digital Hub trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC, sứ mệnh các công ty cung cấp dịch vụ nền tảng số như CMC, FPT là giúp startup tiếp cận thành quả của nền kinh tế số.

Cũng theo ông Chính, hiện cộng đồng CNTT ở Việt Nam còn chưa lớn khi mới chỉ có khoảng 40.000-50.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hạ tầng nền tảng số sẽ giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp mới khi giúp các startup tiếp cận nhanh hơn với trải nghiệm tốt hơn. "Như trước đây, để có hệ thống máy chủ thì các doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều nhưng hiện nay hạ tầng nền tảng số đã giúp giảm thiểu chi phí", ông Chính dẫn chứng

Trên cơ sở đó, ông Chính khẳng định, các công ty cung cấp dịch vụ nền tảng như CMC, FPT có sự mệnh làm thế nào để các startup nhanh chóng tiếp cận kết quả của nền kinh tế số, kết quả của khoa học công nghệ đem lại với thời gian ngắn nhất, chi phí nhỏ nhất.

Cùng quan điểm với CMC, ông Nguyên Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cũng cho rằng, những thành tựu công nghệ mới nhất sẽ tạo nên một nền tảng chuyển đổi số toàn diện, FPT sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp giảm 30-50% thời gian thực hiện các dự án chuyển đổi số.

Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ, FPT đã đúc kết và đưa ra một phương pháp luận chuyển đổi số mang tên FPT Digital Kaizen. Phương pháp tiếp cận “nghĩ lớn – thực hiện thông minh – phát triển tốc độ” này giúp chuyển đổi số đơn giản, hiệu quả, không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và FPT sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Trong Thông điệp Diễn đàn cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam lần thứ 9 năm 2019 - Vietnam ICT Summit 2019 chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” được VINASA đưa ra doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp ICT là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Cần phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Trong đó, giải pháp quan trọng để đẩy nhanh chuyển đổi số tại Việt Nam là xây dựng các nền tảng ứng dụng số (Platform) phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các hộ gia đình và người dân. Diễn đàn kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam nêu cao tinh thần phụng sự quốc gia, tiên phong trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, cũng như xây dựng, vận hành các nền tảng ứng dụng phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của xã hội.