Thông tin từ FPT cho hay, trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã diễn ra phiên làm việc về cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và các nền kinh tế APEC ngày 8/11/2017, người điều phối chương trình chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã nói về cơ hội và mục tiêu của FPT tại hội nghị này.

Tham dự chương trình có ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các doanh nghiệp hàng đầu như UPS, WEF, VinaCapital, Zuellig Pharma, Ageda Outside, ExxonMobil, UL, GE, Mitsubitshi Heavy Industries Ltd., Mitsui&Co, Mizuho Bank, Dow, Cypress Holdings, PwC. Đại diện các doanh nghiệp lần lượt thảo luận những chủ đề đang được quan tâm như: Tầm quan trọng của môi trường đầu tư ổn định; Vai trò của mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và Chính phủ; Giá trị và hướng phát triển của các lĩnh vực logistic, y tế, du lịch trực tuyến; Dữ liệu xuyên biên giới, chuyển đổi số tại Việt Nam...

Phát biểu tại hội nghị này, ông Trương Gia Bình cho biết, FPT là tập đoàn hàng đầu trong con mắt của Chính phủ Việt Nam, nên trong các sự kiện quan trọng của nhà nước luôn có sự hiện diện của FPT. Có mặt tại APEC là cơ hội để FPT tiếp cận với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Chiến lược cụ thể của tập đoàn là hướng đến các khách hàng đứng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức. Những quốc gia có kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng và quan tâm đến Việt Nam. Họ nằm trong các ngành mà FPT quan tâm như ô tô, bán lẻ, y tế.

“FPT có vị trí khá đặc biệt về chuyển đổi số. Kinh tế số bắt đầu được nói từ năm 2016 tại diễn đàn Davos, nhưng FPT đã bắt đầu làm những việc liên quan đến việc chuyển đổi số, điện toán đám mây từ 7 năm trước… FPT là công ty duy nhất phát triển hạ tầng chuyển đổi số Predix với G.E và công ty cũng đang xây dựng nền tảng cho các tập đoàn trên thế giới”, ông Trương Gia Bình nói. 

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến thành phần kinh tế tư nhân. Chính phủ vừa thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do anh Trương Gia Bình đứng đầu. Bộ Công Thương cũng cam kết đồng hành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp không chỉ Việt Nam mà cả nước ngoài.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã làm việc với nhóm các nhà đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng khẳng định Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Ông còn chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết sớm như bãi bỏ các thủ tục, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu; quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam…

Thủ tướng còn nhấn mạnh sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình hoạch định chính sách, Chính phủ Việt Nam lưu tâm ý kiến của các nhà đầu tư.

APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation), ra đời cách đây gần 3 thập kỷ và có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam gia nhập diễn đàn này được gần 20 năm. Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Đây là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế trong diễn đàn chiếm tổng cộng 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới...

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11/11. Dự kiến, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017 sẽ có sự tham gia của lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước.