Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Ảnh: Tienphong.vn

Ngày 19/12/2018, Tập đoàn Tân Á Đại Thành tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tập đoàn và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các địa phương, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Buổi lễ là dịp để Tân Á Đại Thành điểm lại các mốc phát triển trong suốt 25 năm phấn đấu trở thành Tập đoàn đa quốc gia được sáng lập và điều hành bởi đại gia đình có 3 thệ hệ là doanh nhân. Thế hệ đầu tiên là những người khơi nguồn cho sự ra đời của Tân Á Đại Thành. Thế hệ thứ 2 là những người chèo lái Tân Á Đại Thành trong suốt 25 năm qua đạt được những thành công như ngày hôm nay với thương hiệu Tân Á Đại Thành nổi tiếng với hệ thống 19 Công ty thành viên, 14 Nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, 196 Chi nhánh trực thuộc, 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc cùng hệ sinh thái 9 sản phẩm tạo nên giải pháp tổng thể về nguồn nước với tổng tài sản lên đến 8.000 tỷ đồng.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Tân Á Đại Thành đã đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhất. Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhất cho Tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Trong bài phát biểu của mình, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta mong muốn Tân Á Đại Thành luôn phát triển năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt những thời cơ thuận lợi; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuận sản xuất tiên tiến; không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật; tạo ra những sản phẩm mới chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phục vụ đời sống người dân trên mọi miền của đất nước; đồng thời không ngừng vươn lên chinh phục thị trường khu vực, quốc tế. Tân Á Đại Thành cũng cần đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tạo ra chuỗi giá trị, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và của đất nước.”.

Bộ trưởng cũng tin tưởng rằng: “Tân Á Đại Thành sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành một trong những hình mẫu tập đoàn kinh tế tư nhân tiêu biểu, thành công theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường”.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Phát biểu chia sẻ về định hướng chiến lược phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết, kể từ ngày 1/1/2019, Công ty Tân Á và Công ty Đại Thành – 2 doanh nghiệp đang đồng sở hữu thương hiệu Tân Á Đại Thành sẽ hợp nhất làm một và hoạt động theo mô hình quản lý tiên tiến để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 doanh thu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.

“Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác với các đối tác chiến lược để tiếp tục phát triển hệ sinh thái các sản phẩm để hoàn thiện giải pháp tổng thể về nguồn nước, liên tục ra mắt các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường, góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống của người Việt thông qua việc cho ra mắt các sản phẩm chất lượng cao, hữu ích và với giá thành hợp lý. Tân Á Đại Thành sẽ tiếp tục phát triển các hoạt động đầu tư ra nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới, qua đó khẳng định được uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế” bà Nguyễn Thị Mai Phương nói.

Cũng nhân sự kiện đặc biệt này, Tân Á Đại Thành đã chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới. Bộ logo kế thừa và giữ nguyên tinh thần, nền tảng của Tập đoàn, biểu tượng mang ý nghĩa: các thế hệ Tân Á Đại Thành, chung tay bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng vì một thế giới phồn vinh. Đây sẽ là bước ngoặt trọng đại, mang một luồng gió mới cho sự phát triển đồng bộ theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong thời kỳ chuyển giao và hiện đại hóa sau sáp nhập.