Quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho rằng Viettel sẽ có nhiệm vụ tạo ra các sản phẩm chuẩn công nghệ 4.0 theo đúng định hướng của mình, thể hiện tiếng nói góp phần thúc đẩy thể chế và chính phủ số đi nhanh hơn.

Thưa ông, Việt Nam đang nói nhiều đến cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay còn có tên gọi khác là chuyển đổi số, nền kinh tế số. Là một Tập đoàn hàng đầu về viễn thông và CNTT, Viettel sẽ đóng vai trò gì trong cuộc cách mạng này ở Việt Nam?

Những công nghệ cốt lõi mang tính chủ đạo của Cách mạng 4.0 là AI, Big data, robot, in 3D. Các ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới để cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Nhưng tựu chung lại có thể thấy, Cách mạng 4.0 dựa rất nhiều vào viễn thông và CNTT. Và đây là lĩnh vực mà Viettel có thế mạnh. Với tư cách là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, Viettel luôn nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong việc tạo ra hạ tầng và nền tảng cho cuộc Cách mạng 4.0 ở Việt Nam. Viettel có rất nhiều thế mạnh và chuyên môn của mình. Do đó, Viettel phải dẫn đầu. Viettel đang nỗ lực đóng vai trò tiên phong. Tôi tuyên bố, năm 2019, cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Tập đoàn, chúng tôi xác định sứ mạng của mình là kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

Viettel sẽ tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng 4.0 như thế nào?

Viettel hướng đến là một doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ số và đang phát triển mạnh mẽ các nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của cuộc cách mạng này bao gồm: AI, Big Data, in 3D, Robot. Đây đều là những lĩnh vực liên quan đến thế mạnh điện tử, viễn thông, CNTT. Cùng với việc tạo ra hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để tạo ra các sản phẩm chuyển đổi số, Viettel còn xây dựng bộ công cụ và lực lượng an ninh mạng để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, đảm bảo người dùng an tâm khi sống trong xã hội số.

Đến nay, Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G phủ tới 95% dân số Việt Nam; Hạ tầng mạng siêu băng rộng cố định của Viettel chỉ còn cách mỗi hộ gia đình nông thôn khoảng 50m, còn ở thành phố gần như đã đến tận cửa nhà; Nền tảng công nghệ điện toán đám mây được Viettel đầu tư chiều sâu hơn 10 năm qua đã khiến cho giá thành lưu trữ dữ liệu giảm tới 3-4 lần. Thử nghiệm thành công công nghệ NB-IoT tại Hà Nội để đưa các thiết bị nhỏ (cảm biến trên các thiết bị, thiết bị đo lường…) kết nối vào mạng viễn thông, chuẩn bị cho một xã hội số hóa; Sẵn sàng triển khai công nghệ 5G để tạo ra kết nối băng rộng cho các ứng dụng kết nối vạn vật. Với hạ tầng này, năng lực hạ tầng kết nối của Viettel đảm bảo tương đương với những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), Viettel đang phát triển mạnh dựa trên AI phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu. Biến những giá trị thông tin thành tài sản quý giá không chỉ cho Viettel mà còn thành thông tin giá trị phục vụ cho các hoạt động xã hội. Bên cạnh đó, Viettel nghiên cứu và phát triển hệ thống Blockchain, ứng dụng in 3D vào việc sản xuất các linh kiện khó, đặc biệt trong các sản phẩm của Viettel. Về robot, Viettel đã phát triển và tiến tới sản xuất robot phục vụ cả dây chuyển sản xuất và đời sống hàng ngày.

Có thể thấy Viettel đã có sự chuẩn bị từ rất sớm cho chuyển đổi số, nhưng tại sao, đến thời điểm này mới tuyên bố sứ mệnh của mình là “Kiến tạo xã hội số”?

Đúng là Viettel đang làm rất tốt phần nền tảng, hạ tầng và tạo ra chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên, để tham gia vào Cách mạng 4.0 chúng ta phải phá hủy nhiều những thứ đã tồn tại trước đó. Muốn thế, tư duy phải rất mạnh dạn, chấp nhận phá hủy những cái đã có. Chính sách và thể chế phải chấp nhận cái mới. Điều này nói có thể đơn giản và cũng đang được nói nhiều nhưng thực thi trong thực tế thì còn chậm. Ví dụ, khi chúng ta muốn thúc đẩy ngân hàng số nhưng đường đi và thể chế cho nó thì vẫn còn bàn cãi rất nhiều. Để điều hành xã hội số thì bắt buộc phải xây dựng Chính phủ số. Ở Việt Nam, triển khai Chính phủ điện tử còn chậm. Nhưng nếu Chính phủ không đi trước thì rất khó điều hành được xã hội số. Trong cuộc cách mạng 4.0 này người dân đang đi nhanh hơn vì lớp trẻ tiếp cận cái mới rất nhanh và 4.0 đúng là giúp con người rất nhiều trong sinh hoạt, chữa bệnh, học tập, kinh doanh … Nhưng nhiều khi áp dụng thì lại vướng thể chế, chính sách. Nếu làm tốt phần này thì chắc chắn xã hội sẽ đi nhanh.

Theo đó Viettel đặt cho mình 2 nhiệm vụ: Tạo ra các sản phẩm chuẩn công nghệ 4.0 theo đúng định hướng của mình, hai là thể hiện tiếng nói và góp phần thúc đẩy thể chế đi nhanh hơn, chính phủ số đi nhanh hơn.

Mỗi ngày thức dậy mà vẫn nói chúng ta đang ở xuất phát điểm trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này thì nghĩa là chúng ta đã chậm với thế giới rất nhiều. Cứ mỗi tháng trôi đi, nửa năm trôi đi thì thế giới đã đi rất xa. Chính vì vậy để không đánh mất cơ hội của chính mình cả xã hội từ chính phủ đến các doanh nghiệp không chỉ có quyết tâm cao mà cần có hành động cụ thể để chuyển đổi số.

Chủ tịch Viettel cho rằng, cách mạng không phải là làm tốt hơn cái đã có. Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới khác hẳn về chất.

Như ông vừa nói, để kiến tạo xã hội số thì cần một tư duy phá hủy những cái cũ. Vậy Viettel cần phá hủy những gì để vừa có thể tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, lại vừa có thể kiến tạo xã hội số?

Viettel cần thay đổi tư duy. Chúng tôi phải có cuộc cách mạng tư duy. Cách mạng không phải là làm tốt hơn cái đã có. Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới khác hẳn về chất.

Chúng tôi cần phải quên đi rằng Viettel là nhà khai thác viễn thông. Mặc dù, hiện nay, viễn thông vẫn là nguồn thu chủ yếu nuôi sống Viettel. Nhưng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ viễn thông đang liên tục giảm xuống. Sứ mệnh nuôi sống Viettel của viễn thông sẽ không tồn tại lâu dài. Chúng ta không thể chỉ bám víu vào việc khai thác hạ tầng viễn thông mà phải trở thành nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ số. Hạ tầng đã có phải nghĩ cách để khai thác trên đó nhằm cung cấp dịch vụ số.

Chúng tôi cũng cần phải phá hủy cách làm cũ. Bán hàng trong thời đại này là khách hàng phải được trải nghiệm, để họ thích sản phẩm của mình rồi mới mua sản phẩm của mình. Sản phẩm phải update, cải tiến liên tục, để nó vừa ổn định lại vừa liên tục tiến hóa. Marketing là phải khiến khách hàng ngóng đợi. Cách kinh doanh phải khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa cứ lên cột lại có tiền. Thời kinh doanh VoIP, sáng ngủ dây có mấy trăm triệu; mở rộng đầu tư quốc tế, sáng ngủ dậy có mấy trăm tỷ. Giờ đây, sáng ngủ dậy phải nghĩ xem sản phẩm của chúng ta có thêm tính năng gì mới, có tính năng gì bỏ đi. Tính năng sản phẩm mới là điều quan trọng chứ không phải thời kỳ đi đếm trạm nữa.

Chủ tịch Viettel cho rằng, cách mạng không phải là làm tốt hơn cái đã có. Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới khác hẳn về chất.

Viettel đặt ra mục tiêu trong bao lâu sẽ thực hiện được quá trình chuyển đổi số này?

Không thể lâu được, cụ thể là trước 2020. Trong cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN, Việt Nam đã nhận thức rõ về cơ hội của cuộc Cách mạng lần thứ 4 mang lại và nguy cơ của việc “lỡ chuyến tàu công nghệ này”. Chính vì thế mà chỉ đến trước năm 2020, Việt Nam sẽ bắt buộc phải thay đổi, phá hủy nhiều tư duy, thể chế, văn hóa truyền thống để có thể bắt kịp chuyến tàu 4.0. Chúng tôi chỉ có và nhất định phải nắm bắt cơ hội duy nhất trong vòng 1 năm duy nhất. Đó là năm 2019.

Cảm ơn ông!