Nhiều người nghi ngại Zoom, CoMeet tung loạt giải pháp hỗ trợ học, làm việc từ xa | CoMeet ra chùm giải pháp họp trực tuyến trên nền tảng nguồn mở Jitsi

Liên minh CoMeet ra đời đầu tháng 4/2020 với mục đích góp phần đem đến các giải pháp hiệu quả, an toàn, bảo mật, tự chủ công nghệ và được thiết kế tùy biến theo yêu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong bối cảnh nhiều đơn vị đã và đang chuyển sang mô hình làm việc online, trực tuyến từ xa.

Năm thành viên của CoMeet gồm CMC TS, NetNam, iWay, FDS và DQN đều là những hội viên tích cực của Câu lạc bộ Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA).

Thời điểm hiện tại, các đơn vị trong liên minh đều đang gấp rút hoàn thiện để sớm chính thức công bố cung cấp giải pháp tư vấn, thiết kế, triển khai, tích hợp, hỗ trợ và bảo trì hệ thống video conference (họp trực tuyến) trên nền tảng phần mềm nguồn mở Jitsi cho đông đảo người dùng.

Được biết, nền tảng nguồn mở Jitsi được các thành viên trong CoMeet sử dụng để xây dựng các giải pháp họp trực tuyến cũng là nền tảng đang được nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng, trong đó có: Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Cục Chứng thư số và bảo mật thông tin... 

Trong bối cảnh một số công cụ có yếu tố “nước ngoài” đang đối diện với nhiều câu hỏi về chất lượng dịch vụ, an toàn, bảo mật và cam kết người dùng, các giải pháp, dịch vụ do liên minh CoMeet cung cấp được kỳ vọng sẽ mang đến các tính năng kết nối đa điểm, cơ động, thuận tiện cho người sử dụng và đề cao đặc tính an toàn bảo mật, tự chủ công nghệ. 

Có thể kể đến các tính năng đáng chú ý trong chùm giải pháp về họp trực tuyến sắp được CoMeet đưa ra thị trường như: tổ chức hội họp trực tuyến, không hạn chế số điểm tham gia, chia sẻ màn hình của tất cả các thành viên theo điều phối của người quản trị, trò chuyện riêng qua tính năng chat, ghi lại nội dung cuộc họp…

Đặc biệt, đại diện CoMeet khẳng định, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về tính an toàn, bảo mật nhờ mã hóa dữ liệu và chế độ kiểm soát thành viên tham gia họp. Người dùng cũng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ trên tất cả các nền tảng MS Windows, MacOS, iOS, Android.

Chia sẻ thêm về phương thức triển khai cung cấp các giải pháp, đại diện CoMeet cho biết, các thành viên trong liên minh sẽ cùng cung cấp các gói dịch vụ, giải pháp căn bản và thích ứng, tích hợp, tối ưu tùy theo các phân khúc khách hàng của mỗi công ty. Các thành viên cũng sẽ đưa ra thương nhãn dịch vụ phù hợp với chiến lược kinh doanh và tập khách hàng mục tiêu của đơn vị mình, ví dụ như NetMeeting của NetNam, SecureMeet của iWay, Hoptuxa của DQN...

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch VFOSSA đánh giá, nhờ được xây dựng trên tài nguyên nguồn mở, các giải pháp do liên minh CoMeet cung cấp sở hữu một số điểm cộng đáng chú ý như tính cá nhân hóa của hệ thống, cho phép người dùng có thể tùy biến giao diện, cũng như tích hợp với các dịch vụ khác như tổng đài IP, các hệ thống có sẵn của Polycom, Cisco...

Lạc quan về tiềm năng thị trường, ông Trương Anh Tuấn, đại diện CoMeet cho biết: “Hoạt động của các giải pháp do chúng tôi cung cấp sẽ không phụ thuộc vào đường truyền quốc tế, sử dụng băng thông nội địa nên hoàn toàn có thể sử dụng tốt ngay cả khi cáp quang biển AAG chưa thể phục hồi”. 

Trong thông tin cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin từ phần mềm họp trực tuyến Zoom phát ra tối qua, ngày 14/4/2020, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp.