Nhiều ưu điểm hơn USB Token

Ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động đang thu hút sự chú ý của công chúng bởi tính tiện lợi khi thực hiện các giao dịch điện tử.

Chẳng hạn, trong giao dịch dịch vụ công trực tuyến, người dùng có thể sử dụng chữ ký số trên mobile để truy cập tới các cổng thông tin điện tử chính phủ, cổng dịch vụ công trực tuyến, email công vụ, các ứng dụng nội bộ...; hoặc dùng để xác nhận thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Với giao dịch ngân hàng điện tử, chữ ký số trên mobile có thể được dùng để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, phê duyệt thanh toán trực tuyến, các giao dịch thẻ tín dụng, chuyển tiền từ tài khoản…

Với giao dịch thương mại điện tử, người sử dụng có thể dùng chữ ký số trên mobile để đăng ký, đăng nhập các website bán hàng trực tuyến, chấp nhận đặt hàng, thanh toán trực tuyến…

Ngoài ra, chữ ký số trên mobile còn được dùng để truy cập các dịch vụ trực tuyến và dịch vụ mobile như giải trí, mạng xã hội, trò chơi...

Chữ ký số trên mobile có nhiều ưu điểm hơn so với chữ ký số trên USB token truyền thống. Với USB token, người dùng bắt buộc phải có kết nối mạng Internet, có laptop hoặc PC, phần mềm cho phép ký điện tử và USB Token chứa chứng thư số. Còn với chữ ký số mobile, người dùng chỉ cần có thiết bị di động tích hợp phần mềm cho phép ký số và có kết nối wifi hoặc 3G, 4G, 5G.

Người dùng có thể xác thực điện tử bằng cách sử dụng SIM card với chứng thư số làm công cụ định danh dựa trên hạ tầng mã hóa công khai PKI, có khả năng xác thực mạnh, chống giả mạo, chống chối bỏ, có tính pháp lý và được pháp luật nhà nước bảo hộ.

Công nghệ chữ ký số trên mobile đã được nhiều tập đoàn viễn thông quốc tế triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một thống kê từ tháng 7/2016 cho biết công nghệ này đã được triển khai bởi 42 nhà mạng ở 22 quốc gia.

{keywords}
Ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động tăng tính tiện lợi khi thực hiện các giao dịch điện tử. (Ảnh minh họa: Internet)

Cần tuân thủ quy định pháp luật khi cung cấp dịch vụ

Ứng dụng chữ ký số trên mobile được xác định là xu thế tất yếu khi triển khai các hoạt động giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử... tại Việt Nam.

Đặc biệt, đây được coi là giải pháp hữu hiệu để phát triển tập khách hàng mới, giúp các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số “thoát hiểm” khi thị trường chữ ký số trên USB token có nguy cơ bão hòa.

Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng thiết bị di động lớn. Thống kê mới đây cho thấy, cả nước hiện có 125,5 triệu thuê bao di động. Theo một số báo cáo khác, ở các thành phố lớn, 70% người dân đã dùng các thiết bị di động. Có thể nói, triển khai chữ ký số trên mobile là nhu cầu thiết yếu.

Ngay từ đầu năm 2019, Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam đã khẳng định: “Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số trên mobile đã sẵn sàng về giải pháp và công nghệ”.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Việt Nam rất khẩn trương hoàn thiện sản phẩm và giải pháp ký số trên mobile để phục vụ người dùng. Tuy nhiên, do quá nôn nóng, muốn “đốt cháy giai đoạn”, một số doanh nghiệp triển khai cung cấp các dịch vụ ký số trên di động, ký số từ xa khi chưa hoàn thành hồ sơ kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, chưa được kiểm tra kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn.

Cần lưu ý, theo quy định hiện hành, để có thể cung cấp được chữ ký số trên mobile hoặc ký số từ xa, các nhà cung cấp phải đảm bảo 2 điều kiện: Sản phẩm phải được Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật theo Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc quy định tại Thông tư số 16/2019 của Bộ TT&TT (gọi tắt là Thông tư số 16); Sản phẩm chỉ có thể áp dụng thực tiễn từ ngày 1/4/2020, thời điểm Thông tư số 16 có hiệu lực.

Với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc áp dụng các tiêu chuẩn ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động, ký số từ xa, đầu tháng 5/2020, NEAC đã ban hành Công văn số 190 hướng dẫn chi tiết triển khai việc áp dụng các Tiêu chuẩn bắt buộc quy định tại Thông tư số 16 đối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực ký số công cộng (CA) công cộng và cả CA chuyên dùng.

Trong Công văn số 190, NEAC yêu cầu các CA phải báo cáo sự thay đổi về tính năng kỹ thuật của hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, bao gồm, phương án kỹ thuật và công bố sự phù hợp của hệ thống kỹ thuật mới với các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định tại Thông tư số 16. Sau đó, CA nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số cho dịch vụ ký số trên thiết bị di động, ký số từ xa lên NEAC. Sau khi thẩm tra, NEAC sẽ cấp chứng thư số cho CA.

Với những yêu cầu nêu trên, các CA sẽ phải triển khai hệ thống, giải pháp kỹ thuật riêng cho dịch vụ ký số từ xa, ký số trên thiết bị di động, bên cạnh hệ thống cho dịch vụ ký số sử dụng USB token.

Gần cuối tháng 5/2020, NEAC lại tiếp tục có Công văn số 222, đề nghị các CA thực hiện nghiêm hướng dẫn tại Công văn số 190, nhằm đảm bảo tính an toàn, bảo mật, tính tuân thủ pháp lý và hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng khi giao dịch điện tử mà giá trị pháp lý không được công nhận.

Với dịch vụ chữ ký số trên mobile, người dân và doanh nghiệp có thêm phương thức xác thực điện tử tiện lợi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ số và nền kinh tế số.

Xuân Bách

Cung cấp chữ ký số phục vụ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử

Cung cấp chữ ký số phục vụ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa giao Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Dịch vụ này sẽ được triển khai từ ngày 1/7/2020.