90% nhà trường phải tổ chức các môn học về kỹ năng số

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo dự thảo đề án này, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là những việc cần làm để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp giữa các hình thức đào tạo ngắn hạn với việc đào tạo chính quy dài hạn.

Đề án cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2025, 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng được Mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã cho ít nhất 70% số xã, phường trên địa bàn. 10.000 lượt cán bộ tại các cơ quan nhà nước phải được đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số.

Học lập trình robotic từ tiểu học để trở thành công dân số
Mục tiêu được nêu ra trong dự thảo Đề án là xây dựng Mạng lưới chuyển đổi số từ trung ương tới cấp xã, phổ cập kỹ năng số và đào tạo được đội ngũ chuyên gia đủ năng lực, trình độ về chuyển đổi số,... Ảnh: Trọng Đạt

Đề án cũng đặt ra mục tiêu 60% sinh viên tốt nghiệp được sát hạch kỹ năng sử dụng CNTT và chuyển đổi số cơ bản, 60% giáo viên các cơ sở giáo dục phải được tập huấn về kỹ năng số, kỹ năng giáo dục STEM/STEAM/STEAME và kỹ năng giảng dạy trực tuyến.

Ngoài ra, 50% số cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các môn học giáo dục về kỹ năng số, công nghệ số và giáo dục STEM/STEAM/STEAME.

Các chỉ tiêu này sẽ được áp đặt ở mức cao hơn nữa để đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã, 90% sinh viên tốt nghiệp được sát hạch kỹ năng sử dụng CNTT và chuyển đổi số cơ bản, 90% số cơ sở giáo dục các cấp có tổ chức các môn học về kỹ năng số và 90% giáo viên các cơ sở giáo dục được tập huấn về kỹ năng số.

Mở các chuyên ngành mới về công nghệ, kinh tế, xã hội số

Để đạt được các mục tiêu kể trên, dự thảo Đề án đã chỉ ra nhiều nhiệm vụ, dự án cần phải thực hiện, trong đó có việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng chuyển đổi số.

Một trong những trọng tâm của Đề án là phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia đủ năng lực, trình độ về chuyển đổi số. Do vậy, dự thảo Đề án đề xuất tăng cường việc đào tạo kỹ sư, cử nhân các chuyên ngành về công nghệ số, kinh tế số, xã hội số.

Đối với công nghệ số, các chuyên ngành cần được mở mới và tăng chỉ tiêu đào tạo gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, IoT, blockchain, công nghệ mạng thế hệ mới, tự động hoá, robot thông minh, khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính,…

Học lập trình robotic từ tiểu học để trở thành công dân số
Dự thảo Đề án đề xuất tăng cường việc đào tạo kỹ sư, cử nhân các chuyên ngành về công nghệ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, các chuyên ngành cần được mở mới là trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, IoT, blockchain, công nghệ mạng thế hệ mới, tự động hoá, robot thông minh, khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính,…

Với kinh tế số, các chuyên ngành được khuyến khích mở thêm là quản trị số, kinh doanh số, giao dịch số, tài chính số, ngân hàng số, dịch vụ trực tuyến, phân tích dữ liệu số,… Dự thảo Đề án cũng đề xuất tăng chỉ tiêu cho các ngành đã có như thương mại điện tử, kinh doanh điện tử.

Nhằm thay đổi căn bản từ gốc rễ, dự thảo Đề án đề xuất đưa nội dung phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng vào chương trình giảng dạy ở tất cả các lớp từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Học lập trình robotic từ tiểu học để trở thành công dân số
Dự thảo đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số đề cập tới việc triển khai mô hình giáo dục STEM và đào tạo lập trình robotic tại tất cả các lớp từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học.

Điều này được thực hiện bằng cách triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM/STEAME) và đào tạo lập trình robotic vào tất cả các lớp từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học.

Cụ thể hóa điều này, dự thảo Đề án cũng nhắc tới việc đầu tư trang thiết bị, máy tính bảng, robot và các công nghệ mở, nền tảng mở, phần mềm nguồn mở để thiết lập các phòng học về kỹ năng số cho các cơ sở giáo dục các cấp. 

Trọng Đạt

Phát động cuộc thi robotics cho học sinh

Phát động cuộc thi robotics cho học sinh

Cuộc thi dành cho các trường THPT và THCS trong việc ứng dụng robotics vào các lĩnh vực giáo dục, môi trường, y tế và sức khỏe.