Visa vừa công bố khảo sát cho thấy thói quen thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tăng mạnh khi đại dịch Covid-19 xảy ra và người dùng tiếp tục tin tưởng hình thức giao dịch này kể cả khi dịch bệnh qua đi.

Tuy vậy, phải thừa nhận rằng lệnh giãn cách buộc nhiều người tìm đến các phương thức thanh toán hiện đại nhưng trong giai đoạn bình thường mới, không ít người quay lại sử dụng tiền mặt.

Thống kê tại một chuỗi siêu thị trong đại dịch cho thấy tỷ lệ thanh toán kỹ thuật số tại đây khoảng 21% (giai đoạn tháng 7/2021), tăng 7 lần so với năm 2019. Nhưng ngay khi bước vào giai đoạn mở cửa, tỷ lệ thanh toán số đã giảm xuống.

{keywords}
Nhân viên một công ty thanh toán không tiền mặt bên trong trụ sở. (Ảnh: VNG)

Rõ ràng Covid-19 tạo hành vi thanh toán mới cho người dân, song để giữ được thói quen đó cần có nhiều biện pháp. Nếu chỉ xét vai trò của nhà bán lẻ trong trường hợp trên, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho rằng khách hàng đã có những trải nghiệm thanh toán số ban đầu, do đó cần cho họ thấy được tiện ích của phương thức này.

Đại dịch hay các chương trình khuyến mại có thể khiến khách hàng thanh toán số nhiều hơn, song nên có những chiến lược dài hơi và liền mạch, luôn luôn thay đổi làm mới sản phẩm. Ví dụ, xây dựng chương trình thẻ đồng thương hiệu, tích điểm. Hoặc nhà bán lẻ có thể phát triển ứng dụng trên smartphone để khách hàng có trải nghiệm liền mạnh từ đầu tới cuối. Nhờ app, doanh nghiệp sẽ nắm được hành vi và kỳ vọng của khách hàng, dựa vào dữ liệu này để đưa ra các giải pháp bền vững.

“Hành vi thanh toán kỹ thuật số tăng lên trong đại dịch chính là một khởi đầu tốt. Các bên làm sao để nuôi dưỡng hành vi này, biến trải nghiệm ban đầu thành niềm tin vững vàng”, bà Dung nhận định.

Dù thói quen không dùng tiền mặt đã tăng lên song nền thanh toán kỹ thuật số còn nhiều thách thức. Chẳng hạn, cần xây dựng hạ tầng thanh toán và chấp nhận thanh toán đáng tin cậy, dẫn dắt và củng cố niềm tin cho người dùng. Cụ thể, hệ thống cần bảo mật, tạo giá trị gia tăng và có sự đồng hành từ nhiều bên để xây dựng giải pháp.

Theo đại diện Visa, phải tiếp tục đào tạo thói quen không dùng tiền mặt cho người dùng. Các tổ chức như Visa, Mastercard, Napas, công ty fintech... cần phối hợp liên tục nhằm mang lại lợi ích cho người dùng. Bên cạnh đó, phải sự hỗ trợ của truyền thông và Chính phủ trong việc định hình thói quen cho người dùng.

Ngoài ra, quy mô chấp nhận thanh toán hiện nay khá mỏng. Dân số Việt Nam là gần 100 triệu người nhưng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ chỉ khoảng 300 ngàn. 

Muốn gia tăng số lượng điểm chấp nhận và trải nghiệm khách hàng cần có những giải pháp linh hoạt hơn. Ví dụ, có thể triển khai các công cụ cài đặt trên smartphone để biến điện thoại thông minh thành một máy chấp nhận thanh toán. Việc này giúp đưa nhanh nhất các giải pháp thanh toán số cung cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở nông thôn nhằm phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt.

“Thói quen không dùng tiền mặt của người dùng cần thời gian để hình thành, không thể xảy ra nhanh được”, Giám đốc Visa nêu ý kiến.

Hải Đăng

Người Việt vẫn chọn thanh toán không tiền mặt sau đại dịch

Người Việt vẫn chọn thanh toán không tiền mặt sau đại dịch

Thanh toán kỹ thuật số được thúc đẩy bởi Covid-19, và vẫn tiếp tục kéo dài dù đại dịch đã được kiểm soát phần lớn.