Các công nghệ hỗ trợ nông nghiệp hiện nay tại Việt Nam đều đã chín muồi và sẵn sàng, song việc áp dụng còn hạn chế do quy mô canh tác nhỏ. Để giải quyết bài toán này, chuyên gia nhận định quy mô canh tác cần mở rộng hơn, tầm nhìn của người làm nông nghiệp cũng cần dài hạn.

Thành lập từ năm 2017, NextFarm hiện nay đã cung cấp trọn vẹn giải pháp công nghệ cho nhiều mảng chăn nuôi và trồng trọt của bà con nông dân. Không chỉ mang giải pháp cho hộ dân, startup nông nghiệp này còn là đối tác của các doanh nghiệp lớn như Viettel, Hitachi (Nhật Bản), Jetro (Nhật Bản), ITA (Ý). Nhiều ứng dụng của công ty không chỉ triển khai thành công trong nước mà còn vươn ra một số thị trường ngoài nước như Singapore, Campuchia, Lào, Myanmar...

{keywords}
Một nhà màng tại Quảng Ninh áp dụng hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động của NextFarm.

Một trong những ứng dụng công nghệ nổi bật của NextFarm hiện nay là sử dụng công nghệ AI, kết hợp phần mềm IoT để kết nối các thiết bị cảm biến và thiết bị phần cứng khác nhằm điều khiển tự động trong trồng trọt và chăn nuôi.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho quá trình quản lý và tiêu thụ sản phẩm, công ty này còn phát triển hai phần mềm bán hàng và chăm sóc khách hàng. Phần mềm bán hàng hỗ trợ quản lý kho, quản lý sản phẩm, kiểm soát quá trình bán hàng. Phần mềm chăm sóc khách hàng hỗ trợ tìm kiếm, chăm sóc lại các khách hàng đã và đang thu mua sản phẩm, đưa ra được các chương trình hỗ trợ khách hàng tốt nhất. Nhìn chung, các công cụ nhằm mang một giải pháp từ đầu tới cuối trong phát triển nông nghiệp.

“Khách hàng chủ yếu của NextFarm hiện nay là những người nông dân”, ông Trần Quang Cường, CEO NextFarm, nói với VietNamNet. Ông Cường cho hay, nông dân hiện nay đều muốn tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nên khá chủ động tìm giải pháp từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải là những giải pháp có thể áp dụng ngay vào bài toán sản xuất của nông dân mới được chào đón.

Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp hiện nay không quá phổ biến. Do đó, các chuyên gia cho rằng, các giải pháp phải sát với thực tiễn, đáp ứng đúng nhu cầu của người nông dân.

Qua triển khai các dự án, ông Trần Hữu Quyền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPT Technology – cho rằng các giải pháp không hề có công thức chung, phải được điều chỉnh để phù hợp cho từng địa phương, từng trang trại, từng hộ nông dân.

Tùy hoàn cảnh, đặc điểm và cả ngân sách của đơn vị, địa phương mà có thể chỉ cần áp dụng công nghệ đến mức phù hợp, cho đến khi nào cần thì có thể đưa công nghệ ứng dụng ở mức cao hơn, phù hợp hơn với mô hình cũng như hoàn cảnh cụ thể.

Theo ông Quyền, công nghệ hỗ trợ cho nông nghiệp Việt Nam đều đã rất sẵn sàng, vấn đề còn lại là mong muốn của các đơn vị muốn ứng dụng công nghệ tới mức nào.

“Mức độ áp dụng công nghệ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào công nghệ, mà phải tùy vào nhu cầu của bản thân địa phương, bản thân cơ sở sản xuất nông nghiệp, và quan trọng hơn nữa là phải đảm bảo tối ưu hiệu quả ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của cơ sở đó”, lãnh đạo VNPT Technology thông tin.

{keywords}
Khu canh tác áp dụng các giải pháp tự động của VNPT Technology.

Hiện nay, VNPT Technology đang cung cấp các giải pháp như xác thực nguồn gốc nông sản, hỗ trợ trồng cây nông nghiệp, hỗ trợ giải pháp tự động nuôi tôm và thuỷ sản… Chẳng hạn, trong việc nuôi tôm, hiện nay bà con nông dân vẫn làm thủ công các công việc như bơm nước, thêm chất dinh dưỡng, điều chỉnh độ pH... trong khi giải pháp công nghệ có thể tự động hoá hoàn toàn các khâu này.

Lợi thế của công nghệ là điều chỉnh tức thì các thông số để tạo môi trường sống tốt nhất cho thuỷ sản. Do đó, giả sử nếu có sự cố xảy ra vào ban đêm thì máy móc có thể tự điều chỉnh ngay để không ảnh hưởng đến đời sống của tôm, cá. Nếu làm thủ công, người dân phát hiện sự cố muộn màng thì khó cứu được thuỷ sản hơn.

Mặc dù công nghệ hỗ trợ đã sẵn sàng, song việc áp dụng công nghệ trong trồng trọt chăn nuôi chưa thể phổ biến rộng rãi như nhiều quốc gia khác. Việc này ngoài rào cản về tài chính còn có lý do về tầm nhìn dài hạn.

“Ví dụ, nông dân mình một năm đạt thu doanh thu 1 tỷ thì làm sao có thể đầu tư giải pháp 4-5 tỷ. Thậm chí việc bỏ ra mấy trăm triệu đồng đầu tư công nghệ cũng đã khiến họ phải suy nghĩ”, ông Quyền phân tích.

Để phá vỡ rào cản này, quy mô sản xuất nông nghiệp cần phải được mở rộng hơn so với hiện tại. Các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn để phục vụ chiến lược lâu dài.

“Khi nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ thì khả năng ứng dụng công nghệ sẽ hạn chế. Do đó vai trò của các liên minh, hiệp hội trong việc khuyến khích sản xuất lớn là rất quan trọng. Chỉ khi nào sản xuất lớn mới đầu tư lớn”, đại diện VNPT Technology nêu ý kiến.

Phía NextFarm cũng có nhận định tương tự. Ông Cường cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp có thể dành cho nông trại quy mô nhỏ hay lớn đều được. Nhưng với quy mô lớn thì áp dụng công nghệ sẽ thấy lợi ích và hiệu quả nhiều hơn, vì chi phí nhân công đã được cắt giảm khá nhiều trong các khâu sản xuất.

Các chuyên gia thống nhất rằng, làm nông nghiệp thông minh cần phải có tầm nhìn dài hạn. Rõ ràng việc áp dụng công nghệ không thể mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn mà nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Trong lúc này, cần có thời gian để công nghệ chứng minh tính hiệu quả với người nông dân, và phải bắt đầu từ những giải pháp thiết thực, giá cả phù hợp để khai mở thị trường.

Hải Đăng

 

Máy bay nông nghiệp: Từ ý tưởng điên rồ đến việc ứng dụng tại các cánh đồng lớn

Máy bay nông nghiệp: Từ ý tưởng điên rồ đến việc ứng dụng tại các cánh đồng lớn

Từ ý tưởng bị cho là điên rồ, máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp hiện được ứng dụng phổ biến tại Đồng bằng Sông Cửu Long.