Visa vừa kết hợp với Sacombank ra mắt ứng dụng cài đặt trên thiết bị Android, cho phép doanh nghiệp sử dụng điện thoại, máy tính bảng như một điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được Visa triển khai giải pháp này.

Với ứng dụng được cài đặt, nhân viên có thể sử dụng điện thoại hay máy tính bảng đi gặp khách hàng để “quẹt” thẻ, không cần phải mang theo một máy thanh toán (POS) như trước. Nhà bán hàng cũng có thể thay máy POS tại chỗ bằng một thiết bị Android có cài đặt ứng dụng chấp nhận thanh toán.

Người sử dụng phải có thẻ thanh toán tích hợp công nghệ không tiếp xúc của Visa để thực hiện giao dịch.

{keywords}
Giải pháp thanh toán không tiếp xúc trên di động có thể thay thế máy POS di động như trong ảnh. (Ảnh: Hải Đăng)

Tiki, Prudential Việt Nam, Dai-ichi Life là các doanh nghiệp đầu tiên áp dụng giải pháp này. Chẳng hạn, nhân viên giao hàng của Tiki có thể mang theo điện thoại thay vì máy POS di động để khách hàng thanh toán khi nhận hàng. Nhân viên kinh doanh bảo hiểm cũng có thể mang điện thoại có cài ứng dụng gặp khách khi cần thu phí.

Việc không phải trang bị máy POS giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí mua sắm và lắp đặt thiết bị.

Bà Nguyễn Thị Ánh Vân, Giám đốc Tài chính tại Tiki cho biết, tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên nền tảng này chiếm hơn 40%. Từ năm 2019, doanh nghiệp này đã triển khai giải pháp thanh toán không tiền mặt qua máy mPOS khi giao hàng. Việc có thêm giải pháp thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động sẽ tiện lợi và an toàn cho đội ngũ giao vận của công ty.

Trong khi đó, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2019 vẫn có tới 86% người mua hàng thương mại điện tử vẫn sử dụng thanh toán COD. Do đó, việc thêm các giải pháp thanh toán điện tử cho nhân viên giao hàng chắc chắn sẽ thêm lựa chọn cho khách hàng, giúp đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Báo cáo mới đây của Visa cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thanh toán không tiếp xúc qua nền tảng này tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc tăng hơn 600% trong cùng kỳ.

Thống kê này bao gồm phương thức thanh toán dùng điện thoại hoặc thẻ thanh toán chạm vào máy POS có hỗ trợ giao dịch không tiếp xúc.

Phương thức thanh toán này giúp người dùng chỉ cần chạm thẻ vào máy đọc, không phải đưa cho nhân viên bán hàng, góp phần hạn chế rò rỉ thông tin thẻ. Bên cạnh đó, thanh toán không tiếp xúc dạng này giúp hạn chế lây lan dịch bệnh trong bối cảnh Covid-19.

Tại các quán cà phê Starbucks Việt Nam, giá đỡ máy thanh toán có thể xoay được để khách kiểm soát giao dịch tốt hơn. Hơn một nửa giao dịch Visa tại chuỗi cà phê này được thanh toán không tiếp xúc.

Hệ thống siêu thị Lotte Mart, chuỗi The Pizza Company, rạp chiếu phim BHD, Co.op Mart là các đơn vị đang triển khai máy thanh toán không tiếp xúc.

Khảo sát do Visa thực hiện cho thấy, hiện tại có 37% người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người cho rằng, họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này, với tần suất ít nhất một lần một tuần.

Hải Đăng

Thanh toán không tiếp xúc tăng mạnh tại Việt Nam

Thanh toán không tiếp xúc tăng mạnh tại Việt Nam

Giao dịch không tiếp xúc của Visa tại Việt Nam tăng trưởng đến 500% do người Việt tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.