FPT Software, công ty được biết đến với dịch vụ gia công phần mềm, đang dần chuyển sang kinh doanh mảng chuyển đổi số. Song song đó, công việc gia công theo thiết kế cũng được công ty giảm xuống còn dưới 30%.

Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software, đánh giá trong 5 năm gần đây thế giới có xu hướng chuyển đổi số rất rõ ràng. Có mặt trên thị trường toàn cầu đã hơn 20 năm, gần đây FPT Software mới nhảy vào kinh doanh chuyển đổi số. Ông Tuấn tự cho rằng công ty hơi chậm chân so với một số đối thủ, tuy nhiên điều này lại tạo cơ hội cho FPT Software vì công ty còn mới mẻ, có nhiều lĩnh vực để khám phá.

{keywords}
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc FPT Software, đang nói về tầm nhìn phát triển hệ sinh thái số. (Ảnh: FPT)

Trong năm 2020, tổng doanh thu của FPT Software đạt 512 triệu USD. Trong đó lợi nhuận mảng chuyển đổi số chiếm khoảng 24%. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2023, với lợi nhuận chuyển đổi số chiếm 49%.

“Dự báo có khoảng 5% lợi nhuận chuyển đổi số đến từ thị trường Việt Nam trong hai năm tới”, ông Tuấn nói với ICTnews. Trong tập đoàn FPT, FPT Software được xác định cung cấp dịch vụ phần mềm cho thị trường nước ngoài, khác với FPT IS tập trung thị trường trong nước. Gần đây, FPT Software bắt đầu chú trọng hơn với lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam.

Nhu cầu chuyển đổi số trên toàn cầu khá đa dạng. Ví dụ trong lĩnh vực khoan dầu, ông Tuấn cho biết công ty đang làm việc với khách hàng để phát triển phần mềm phân tích địa chất, dựa theo dữ liệu thu được từ các cảm biến gắn vào đầu mũi khoan.

Trong lĩnh vực hàng không, FPT Software phát triển hệ thống tính toán để tiết kiệm nhiên liệu cho nhiều loại máy bay khác nhau. Hoặc làm việc với hãng hàng không Lufthansa (Đức), FPT Software phát triển công cụ để khi hành khách đi đến đâu, ứng dụng trên điện thoại sẽ đưa ra những lời chào, nhắc nhở cần thiết.

Được biết đến như một công ty gia công phần mềm có văn phòng khắp Đông Nam Á, Nhật, Mỹ, với khoảng 10% nhân viên bản địa trên tổng 3.000 nhân viên, FPT Software đang giảm dần công việc gia công dựa trên thiết kế xuống còn dưới 30%.

Hiện nay, công việc chủ yếu của công ty là cho nhân viên ngồi cùng với khách hàng, cùng lên ý tưởng để xây dựng các tính năng, sau đó hoàn thiện công việc theo tuần.

“Công việc chính của FPT Software không còn gia công, nhưng cũng chưa đủ trọn gói”, ông Tuấn giải thích.

Để cung cấp sản phẩm, giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi số, công ty đang xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh để đi cùng doanh nghiệp trên hành trình tổng cộng 6 bước (lập chiến lược, khám phá công nghệ, xây mô hình kinh doanh mới, làm sản phẩm, mở rộng). Trong 6 bước này, FPT Software cho biết đã có thể cung cấp được 5 bước sau cùng, riêng bước 1 thì công ty đang ở mức học việc.

Để hoàn thiện bước lập chiến lược, công ty vừa mua lại Intellinet (Mỹ) hồi năm ngoái, nhờ vậy dành được hợp đồng trên 150 triệu USD.

Song song đó, công ty bắt đầu tự xây dựng các sản phẩm chuyển đổi số bên cạnh cung cấp giải pháp từ nước ngoài. Akabot và Akames là những ví dụ.

Akabot là nền tảng tự động hoá quy trình, giúp khách hàng tiết kiệm nguồn lực và chi phí, có thể dự đoán tình huống dựa trên AI chứ không chỉ làm các công việc lặp đi lặp lại. Trong ngành ngân hàng, công cụ này có thể tiết kiệm 200 quy trình, hoặc giảm được 30% hoá đơn ở mảng bán lẻ. Khách hàng sử dụng Akabot ngoài Việt Nam còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu,...

Riêng công cụ Akames giúp số hoá nhiều quy trình trong nhà máy. “Các công cụ điều khiển được đưa lên ứng dụng, đưa lên thiết bị di động, đồng bộ dữ liệu lên mây. Trước đây giấy tờ phải ký tại nhà máy, giờ quản lý đi ra ngoài vẫn có thể thông qua các loại thủ tục này ngay trên máy tính bảng”, đại diện Akames nói với ICTnews. Khách hàng của Akames gồm Vinfast, Sumitomo, Nippon Steel,...

Do là khu vực đang phát triển nên Đông Nam Á là nơi thử nghiệm các sản phẩm chuyển đổi số tốt nhất, Tổng giám đốc FPT Software nói. FPT Software có thể giúp một khách hàng đưa sản phẩm của họ thử nghiệm ở khu vực ASEAN trước khi cung cấp ra các thị trường khó tính hơn. 

“Việt Nam có thể là nơi ươm mầm cho những giải pháp chuyển đổi số mới”, ông Tuấn khẳng định.

{keywords}
Một người đang dùng thử mô hình thi bằng lái xe do FPT phát triển. (Ảnh: Hải Đăng)

Không riêng FPT Software, chiến lược kinh doanh mới cũng được áp dụng trên tập đoàn FPT. “Mục tiêu của FPT là chuyển đổi số”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - chia sẻ trong sự kiện mua lại nền tảng Base mới đây. Với đội ngũ bán hàng phủ rộng, FPT đặt mục tiêu đưa nền tảng quản trị doanh nghiệp Base tiếp cận 800.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ khắp Việt Nam.

Trên thực tế, câu chuyện chuyển đổi số không còn nằm trên giấy hay chỉ diễn ra tại doanh nghiệp lớn. TechX, một công ty mới thành lập 1 năm nhưng đã cung cấp dịch vụ đám mây cho nhiều ngân hàng lớn, đang có kế hoạch đạt 5.000 khách hàng vừa và nhỏ trong năm tài chính 2021.

Theo TechX, khảo sát trước và sau giai đoạn đại dịch cho thấy nhận thức về đám mây nói riêng và chuyển đổi số nói chung của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tăng mạnh. Công ty này xây dựng nền tảng tổng đài ảo được một số công ty tài chính lớn sử dụng và đang tự tin cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ hơn. Họ cũng xây dựng riêng một chợ ứng dụng cho doanh nghiệp Việt tiếp cận những giải pháp trên đám mây.

Hải Đăng

FPT mua lại nền tảng Base.vn

FPT mua lại nền tảng Base.vn

FPT chính thức rót vốn đầu tư vào Base.vn, chiếm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này.