{keywords}
95% tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông của Việt Nam là từ FDI.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2020, số lượng doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông (cả doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài - FDI) là khoảng 45.500 doanh nghiệp. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) 6 tháng đầu năm ước tính gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ khối FDI đạt 47 tỷ USD chiếm 95% tổng doanh thu.

Riêng quý II/2020, doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông đạt gần 26 tỷ USD, tăng 9,2% so với quý I/2020. Nguyên nhân là xuất khẩu lĩnh vực phần cứng, điện tử có tốc độ tăng trưởng chậm lại do vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các lĩnh vực phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT đang phục hồi nhưng còn chậm so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng doanh thu xuất khẩu CNTT, điện tử, viễn thông của Việt Nam đến tháng 6/2020: ước tính 45,7 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu từ khối FDI đạt 44,5 tỷ USD chiếm 97% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.

Cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và những giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra. Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, qua tiếp xúc, tìm hiểu thì các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn. Chúng ta có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19. Để đón đầu làn sóng này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có những giải pháp thích hợp. Theo một số chuyên gia kinh tế, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là CNTT và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Một số ý kiến khác cho hay, các nước sử dụng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư như hỗ trợ về thuế, đất đai, những biện pháp về xúc tiến đầu tư, ngăn chặn sự đứt gãy của chuỗi cung ứng và ứng phó thiếu hụt lao động. Các nhà đầu tư mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn. Điều quan trọng là môi trường đầu tư và nguồn nhân lực.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới tại Việt Nam. Chúng ta có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Cần lựa chọn những dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch...

Thủ tướng cho rằng, cần tập trung truyền thông Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, du khách. Chính phủ, các địa phương, các ngành, tạo mọi thuận lợi về mặt bằng sản xuất, các ưu đãi hấp dẫn, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực. Thủ tướng nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn là hướng đi cần thiết, nhưng bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam.

Gần đây, nhiều các hãng công nghệ lớn liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nguồn tin của Nikkei cho hay, Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng lớn tại Thái Lan vào mùa thu này và chuyển sang Việt Nam để đạt hiệu quả cao hơn. Chuyển sang Việt Nam, Panasonic muốn cắt giảm chi phí thông qua củng cố việc thu mua linh kiện. Nhà máy nằm ở ngoại ô Hà Nội và là trung tâm sản xuất tủ lạnh, máy giặt lớn nhất Đông Nam Á của Panasonic.

Apple cũng chuyển sản xuất AirPods sang Việt Nam. Theo nguồn tin của Nikkei, khoảng 3 tới 4 triệu máy – hay 30% tổng sản lượng AirPods trong quý II/2020 của Apple sẽ là “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, chúng chưa bao gồm bản cao cấp AirPods Pro mà Apple giới thiệu hồi tháng 10 năm ngoái. Nguồn tin tiết lộ việc sản xuất đại trà AirPods tại Việt Nam bắt đầu từ khoảng tháng 3/2020. Quay lại thời điểm giữa tháng 1, khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận giai đoạn một nhằm xóa bỏ xung đột thương mại kéo dài, nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc của Apple cũng chậm lại. Song dịch bệnh toàn cầu trở thành lời nhắc nhở dành cho các công ty công nghệ về tầm quan trọng của đa dạng hóa và sản xuất bền vững chứ không dừng lại ở chi phí thấp.

Thái Khang

Chương trình lớn để phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến 2025

Chương trình lớn để phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến 2025

Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam Trần Đức Lai nhấn mạnh, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đến 2025, tầm nhìn đến 2030, chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là chương trình lớn, ý nghĩa cho phát triển ngành.