Đã 2 thập kỷ kể từ khi Bluetooth lần đầu được đưa vào các sản phẩm điện tử, công nghệ này đã trở nên phổ biến đến mức nó là một trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết sản phẩm ở thời điểm hiện tại, bên cạnh Wi-Fi.

ABI Research ước tính rằng 5 tỷ thiết bị hỗ trợ Bluetooth sẽ được giao đến tay người tiêu dùng trong năm nay. Đến năm 2026, con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 7 tỷ thiết bị. Hiện nay, Bluetooth xuất hiện trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh, tủ lạnh đến bóng đèn, cho phép ngày càng nhiều sản phẩm có thể kết nối với nhau.

Cac han che cua ket noi Bluetooth anh 1

Bên cạnh Wi-Fi, Bluetooth là chuẩn kết nối không thể thiếu của hầu hết thiết bị điện tử. Ảnh: CNN.

Bất chấp sự phổ biến đó, công nghệ này vẫn gặp phải những vấn đề cố hữu, đó là khó khăn trong việc kết nối với thiết bị mới, chuyển đổi giữa các thiết bị hay phạm vi liên kết rất hạn chế.

“Tôi có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét với Bluetooth. Khi nó hoạt động, Bluetooth thật tuyệt vời. Tuy nhiên, khi nó không hoạt động, bạn cảm thấy rất khó chịu”, Chris Harrison, Giáo sư về liên kết con người - máy tính tại Đại học Carnegie Melon cho biết.

“Các công ty đã từng hứa sẽ làm Bluetooth trở nên liền mạch và dễ sử dụng nhất có thể. Thật không may, chuẩn kết nối này chưa bao giờ có sự nâng cấp đó”, ông Harrison nói thêm. Ngoài ra, Giáo sư Harrison nhận định rằng nền tảng chi phí thấp của công nghệ Bluetooth là nguyên nhân chính khiến nó khó hoàn hảo.

Theo Giáo sư Harrison, công nghệ Bluetooth khác với Wi-Fi ở vấn đề phạm vi hoạt động. Hiện nay, người dùng chủ yếu sử dụng Bluetooth để kết nối với loa hoặc một số thiết bị âm thanh do khoảng cách liên kết có hạn của nó.

Kết nối Bluetooth truyền qua sóng một cách tự do, được mở miễn phí cho mọi người sử dụng. Điều này trái ngược với các tần số được tư nhân hóa do các nhà mạng như AT&T hoặc Verizon kiểm soát. Chính sự miễn phí này đã làm giảm sự phát triển của Bluetooth.

Cac han che cua ket noi Bluetooth anh 2

Nền tảng chi phí thấp của công nghệ Bluetooth là thứ khiến nó khó phát triển. Ảnh: The Core Wire.

Bên cạnh sự gián đoạn do ảnh hưởng của nhiều loại sóng khác nhau, Bluetooth cũng mang đến sự phiền phức về quyền riêng tư. Giáo sư Harrison trích dẫn ví dụ rằng mọi người có thể dễ dàng ghép nối với các thiết bị khác nhau khi ở những nơi công cộng.

Cụ thể, nhiều cơ quan chính phủ của Mỹ đã khuyến cáo người tiêu dùng rằng việc sử dụng Bluetooth có nguy cơ khiến thiết bị của họ dễ gặp các rủi ro an ninh mạng. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cũng cảnh báo rằng Bluetooth có thể khiến dữ liệu cá nhân bị đánh cắp tương tự như Wi-Fi.

Bất chấp những rủi ro, Giáo sư Harrison nhận thấy rằng nhu cầu về Bluetooth không giảm và thừa nhận bản thân ông sử dụng nó một cách thường xuyên, khoảng 70% thời gian mỗi ngày.

“Bluetooth vẫn chưa đạt đến đỉnh cao. Tôi dự đoán rằng việc sử dụng rộng rãi Internet vạn vật (IoT) và các thiết bị thông minh hoạt động cùng nhau trong phạm vi gần sẽ chỉ làm tăng thêm sự phát triển của Bluetooth. Công nghệ này là “chất keo” kết nối tất cả lại với nhau”, Giáo sư Harrison nhận định.

(Theo Zing)

Giảm thính lực, điếc vì lạm dụng tai nghe bluetooth

Giảm thính lực, điếc vì lạm dụng tai nghe bluetooth

Nhiều người lạm dụng tai nghe bluetooth đã phải cầu cứu bác sĩ vì bị giảm thính lực thậm chí có người dùng tai nghe lâu và cảm thấy đầu luôn trong trạng thái 'ong ong', mất ngủ.