Năm năm trước, vào ngày 29/7/2015, Microsoft đã tung ra Windows 10, và dù mọi thứ khởi đầu khá thuận lợi, sau nửa thập kỷ, dường như những hứa hẹn ban đầu đã "theo gió bay đi".

Quả là một sự hổ thẹn, bởi khi Windows 10 ra mắt, chúng ta đều có cảm giác như Microsoft đã tìm ra con đường phải đi sau thất bại đáng quên của Windows 8.

Nếu bạn đã xoá sạch mọi ký ức về Windows 8, thì đó là phiên bản nối tiếp của Windows 7 vốn cực kỳ phổ biến, được thiết kế hướng đến cả những PC truyền thống và laptop lẫn các thiết bị tablet màn hình cảm ứng, nhưng rốt cuộc chỉ là một mớ hổ lốn khiến mọi người thất vọng.

Trên thực tế, Windows 8 là một thảm hoạ, đến mức Microsoft quyết định bỏ qua Windows 9 và nhảy thẳng lên Windows 10.

Chính vì vậy, khi Windows 10 ra mắt, nhiều người đánh giá nó như "sự trở về của vị vua" vậy. Start menu mang tính biểu tượng, vốn đã luôn là một phần của Windows kể từ Windows 95, tái xuất sau khi biến mất khó hiểu trên Windows 8 để nhường chỗ cho Start screen với những biểu tượng quá khổ mà chẳng ai ưa nổi.

Theo nhiều cách, Windows 10 dường như là kẻ kế vị thực thụ của Windows 7. Nó không còn mang cảm giác như hai hệ điều hành riêng biệt kết hợp lại với nhau một cách kỳ quái (dù một vài tàn tích của sự chắp vá đó vẫn còn), và Microsoft hứa hẹn rất nhiều về những tính năng mới thú vị như hệ thống bảo mật tiên tiến, đăng nhập sinh trắc học Windows Hello...

Theo một bài đăng trên blog của Microsoft nhằm công bố ngày ra mắt 29/7 thì, "Windows 10 khởi động nhanh, tiếp tục nhanh, và giúp pin bền bỉ hơn", trong khi Cortana, "trợ lý số cá nhân thực thụ đầu tiên trên thế giới", sẽ giúp bạn hoàn thành mọi việc mà chỉ cần nói với PC của mình. Ngoài ra họ còn hứa hẹn về một "trình duyệt Edge hoàn toàn mới", "được thiết kế để thực hiện những công việc trực tuyến theo những cách mới mẻ".

Năm năm trước, Windows 10 chắc chắn là một thứ đầy hứa hẹn. Vấn đề là rất nhiều những hứa hẹn đó hoá ra chỉ là...hứa suông.

Miễn phí cho mọi người

Một trong những yếu tố khiến Windows 10 được chú ý nhất là Microsoft cung cấp nó như một bản nâng cấp miễn phí cho người dùng Windows 7 và 8. Xét việc gã khổng lồ phần mềm thường đòi hỏi những khoản tiền khá lớn cho mỗi bản nâng cấp hệ điều hành, đây là điều khá ngạc nhiên, và nhiều người quan ngại tại sao Microsoft đột nhiên hào phóng đến vậy.

Dù nhiều người thích thú khi được nâng cấp lên phiên bản Windows mới nhất miễn phí, một số quan ngại bắt đầu thành hiện thực.

Đầu tiên, rõ ràng Microsoft quyết tâm đưa người dùng rời khỏi Windows 7 và 8 càng sớm càng tốt. Cũng hợp lý, khi mà Windows 7 sắp đi đến cuối vòng đời, và bằng cách chuyển người dùng vào một hệ điều hành duy nhất, Microsoft sẽ dễ dàng hơn trong việc tung ra những bản cập nhật và bản vá quan trọng.

Tuy nhiên, hành động thôi thúc người dùng nâng cấp lên Windows 10 của Microsoft lại được thực hiện một cách vụng về và gay gắt. Các pop-up khuyến khích mọi người nâng cấp gây bực bội, và nhiều người phát hiện ra rằng kể cả khi họ không muốn nâng cấp, phiên bản Windows họ đang dùng cũng sẽ tự động tải về Windows 10.

Tranh cãi càng nổ ra nhiều hơn khi người ta khám phá ra lượng thông tin khổng lồ mà Windows 10 thu thập từ người dùng. Như vậy là đã rõ: khẳng định của Microsoft rằng Windows 10 là "miễn phí" thực ra không miễn phí theo đúng nghĩa của nó - bạn đơn giản là chưa nhận ra cái giá phải trả mà thôi.

Dù rằng sau này, Microsoft buộc phải cho phép người dùng kiểm soát phần nào những loại dữ liệu mà Windows 10 được phép chia sẻ, "phốt" nói trên cùng với hành động ép buộc người dùng chuyển sang hệ điều hành mới đã tạo ra ấn tượng đầu tiên không mấy tốt đẹp của Windows 10 đối với mọi người.

Cortana!

Windows 10 ra mắt 5 năm trước với những tính năng mới đầy tham vọng, nhưng nhiều trong số đó không được như kỳ vọng. Đáng chú ý hơn cả chính là Cortana. Một tàn tích từ hệ điều hành di động Windows Phone yểu mệnh của Microsoft, Cortana lẽ ra phải cạnh tranh tốt với Siri của Apple và Assistant của Google. Tuy nhiên, một trợ lý ảo sẽ hợp lý hơn trên một thiết bị di động như smartphone, còn trên desktop hay laptop, nó đơn giản là không tự nhiên cho lắm.

Tệ hơn nữa là những nỗ lực của Microsoft nhằm buộc mọi người phải sử dụng Cortana, đưa nó vào hộp tìm kiếm trong Start menu - và cả sự hiện diện đầy khó chịu của nó trong quá trình cài đặt Windows 10. Bất kỳ ai mua một chiếc laptop mới, bật nó lên, và gặp phải giọng chào mừng của Cortana văng vẳng bên tai khi họ đang muốn thiết lập mọi thứ thật nhanh để sử dụng máy, đều sẽ hiểu được trợ lý ảo của Microsoft gây bực bội đến mức nào. Người ta còn chợt nhớ đến trợ lý trước đây của Microsoft: Clippy!

Thế là, hầu hết mọi người tìm cách lơ đẹp Cortana, và dường như Microsoft cũng nhận ra điều đó, bằng chứng là cứ mỗi bản cập nhật Windows 10, họ lại âm thầm loại bỏ một vài tính năng của Cortana khỏi hệ thống. Nếu cô nàng trợ lý này không gây khó chịu đến vậy, có lẽ chúng ta đã cảm thấy nuối tiếc cho cô rồi.

Edge

Một thất bại khác ngay từ khi ra mắt của Windows 10 là trình duyệt web Microsoft Edge. Dù nhiều người nghĩ rằng Microsoft sẽ không thể đưa ra một trình duyệt web nào khác bị căm thù hơn cả Internet Explorer, công ty đã thách thức dư luận bằng Edge.

Mặc cho Edge có nhiều cải tiến thú vị so với Internet Explorer, mọi người đơn giản là không chào đón nó. Một số website không tương thích tốt với engine mới của Edge, và nhiều người lo lắng khi sử dụng một trình duyệt web của Microsoft sau khi đã có những trải nghiệm tồi tệ với IE.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Microsoft tìm cách để khiến Edge "được yêu", chỉ có điều theo đúng phong cách Microsoft: vụng về và cồng kềnh. Edge được tích hợp vào quá nhiều phần của Windows 10, đến nỗi kể cả khi bạn đã chọn một trình duyệt web khác làm mặc định (nhiều người đã làm điều đó, góp phần đưa Google Chrome trở thành trình duyệt web được sử dụng nhiều nhất thế giới), Windows 10 vẫn sẽ tìm cách để mở các trang web trong Edge.

Windows 10 còn có thói quen hiển thị các thông điệp can ngăn bạn không nên thay đổi trình duyệt. Mọi thứ trở nên điên rồ, và thay vì thuyết phục mọi người gắn bó với Edge, Microsoft vô tình làm điều ngược lại và khiến người dùng càng kiên quyết chuyển đổi hơn.

Cuối cùng, Microsoft nhận ra sự ghét bỏ mà Edge phải chịu đựng, và năm 2018, họ tái thiết Edge bằng engine web Chromium - giống hệt của Chrome. Điều này mang lại một loạt những lợi ích cho cả Edge lẫn Chrome, và là một trong những ví dụ tích cực về việc Microsoft lắng nghe người dùng và tìm cách giải quyết tình hình.

Di sản di động

Ban đầu, Windows 10 có vẻ đã rời xa tham vọng trở thành một hệ điều hành lai giữa desktop và di động của Windows 8, nhưng có nhiều phần nhất định trong hệ thống cho thấy Microsoft chưa sẵn sàng từ bỏ. Suy cho cùng, Windows 10 vẫn hiện diện trên các thiết bị màn hình cảm ứng như mẫu tablet Surface Pro 7.

Và dù rằng cách thực hiện của Windows 10 có phần khéo léo hơn so với Windows 8, vẫn có nhiều lần hệ điều hành mới đi vào lôi mòn và thất bại.

Đầu tiên, một trong những vấn đề lớn nhất của Windows 8 là thêm vào các ứng dụng mới với chức năng giống hệt các ứng dụng khác đã có của Windows, nhưng không tốt bằng. Ví dụ, Control Panel là một công cụ dễ sử dụng, một phần của Windows trong hàng thập kỷ, cho phép bạn thay đổi nhiều thiết lập khác nhau.

Trên cả Windows 8 và 10, có thêm một ứng dụng gọi là Settings, cũng cung cấp một số tuỳ chọn và tính năng đã có trên Control Panel, nhưng lại đơn giản hơn. Có nghĩa là một số tuỳ chọn sẽ không xuất hiện trong Settings, và khi người dùng muốn tìm một vài thiết lập cụ thể nào đó, họ bắt đầu phát điên.

Tiếp theo, trong khi sự trở lại của Start menu được chào đón bởi hầu hết mọi người, Microsoft vẫn "cố đấm ăn xôi" giữ lại màn hình Start của Windows 8 - với những ô Live Tiles lớn gây mất tập trung được thiết kế để hiển thị các thông tin tương tác từ ứng dụng, nhưng bị ngó lơ bởi cả người dùng lẫn các nhà phát triển ứng dụng.

Microsoft còn bắt đầu thêm các quảng cáo và các ứng dụng/trò chơi được cài đặt sẵn mà chẳng ai muốn - một bằng chứng khác về cái gọi là "miễn phí" nửa vời của Windows 10.

Rồi chúng ta có Microsoft Store - trước đây có tên là Windows Store. Đây là một cửa hàng ứng dụng tương tự App Store của Apple và Play Store của Google. Dù rằng những cửa hàng ứng dụng là thứ mà hầu hết chúng ta đã quen thuộc trên các thiết bị di động, nhưng trên PC lại là một câu chuyện khác, bởi người dùng máy tính đã quen thuộc với việc tải về và mua các ứng dụng/game từ bất kỳ đâu họ muốn.

Thế là Microsoft lại gặp khó khăn khi kêu gọi mọi người sử dụng Microsoft Store để tải về và mua ứng dụng. Không chỉ giao diện chợ ứng dụng này không được đẹp mắt cho lắm, mà một số ứng dụng có thể tải về miễn phí ở chỗ khác lại tốn phí trên Microsoft Store, và còn có nhiều vấn đề khó chịu khi tải game xảy ra: khi bạn tìm cách tải về một tập tin nặng 50GB, sự cố xảy ra, bạn sẽ phải bắt đầu tải lại từ đầu!

Game từ Microsoft Store cũng không cho phép mod - một điều mà bạn có thể làm được nếu tải game từ một cửa hàng khác như Steam chẳng hạn.

Kể cả những người phải dùng Microsoft Store - ví dụ những người sử dụng Windows 10 trong S Mode, một chế độ giới hạn bạn chỉ được tải ứng dụng qua cửa hàng - cũng ghét trải nghiệm này, bởi nhiều ứng dụng phổ biến không có phiên bản UWP trên Microsoft Store.

Các ứng dụng UWP của Microsoft được thiết kế để cho phép các nhà phát triển có thể tạo các ứng dụng hoạt động được trên cả các thiết bị Windows 10 và Windows Phone, cũng như trên các máy chơi game Xbox, nhưng không may là không nhiều nhà phát triển ứng dụng hào hứng với định dạng này, khiến Microsoft Store chẳng khác gì một bãi tha ma.

Cơn ác mộng cập nhật

Có lẽ thất bại lớn nhất của Windows 10 trong 5 năm qua là một chuỗi những bản cập nhật phá hoại nhiều hơn là vá lỗi.

Bạn hẳn đã đọc được nhiều bài viết về vấn đề này, và thật đáng quan ngại khi hầu như mọi bản cập nhật dành cho Windows 10 đều gây ra nhiều vấn đề cho nhiều người dùng. Cần nhấn mạnh là không phải ai cũng "xui xẻo", và rất ít người gặp phải mọi vấn đề, nhưng một lượng lớn người dùng cho biết PC của họ bắt đầu hoạt động một cách kỳ quặc sau khi cài đặt một bản cập nhật.

Điều đó chắc chắn khiến chúng ta có cảm giác rằng có điều gì đó không đúng với vị thế dẫn đầu thị trường hiện nay của Windows 10. Thay vì làm mọi người hào hứng về các bản cập nhật bổ sung tính năng mới, nhiều người đang tỏ ra thận trọng trước công cụ Windows Update. Liệu bản cập nhật lần này có phá hỏng PC của tôi không? Ai mà biết được!

Không phải mọi thứ đều tiêu cực

Có lẽ bạn chợt nhận ra mình đã quá tiêu cực khi chỉ trích Windows 10. Đúng là Windows 10 có những vấn đề của riêng nó, và đã gây thất vọng trên một số khía cạnh, nhưng nó không tệ một cách "toàn tập".

Đầu tiên, Windows 10 thực sự là một cải tiến lớn so với Windows 8. Nó tận dụng tốt hơn những phần cứng hiện đại, do đó có tốc độ khởi động nhanh hơn các phiên bản trước, và nhìn chung mang lại cảm giác mượt mà hơn.

Và dù đôi lúc màn hình xanh chết chóc vẫn xuất hiện, hệ điều hành này chắc chắn hoạt động đáng tin cậy hơn so với trước đây.

Ngoài ra, bên cạnh sự tồn tại của Microsoft Store, Windows 10 vẫn là một nền tảng khá mở với một lượng lớn ứng dụng và game sẵn sàng để bạn cài đặt. Với DirectX 12, Windows 10 cho đến thời điểm hiện tại là hệ điều hành tốt nhất dành cho các game thủ PC.

Và trong khi Windows 7 tiếp tục là hệ điều hành phổ biến, Windows 10 đã và đang dần dần chiếm lĩnh thị phần - nó hiện được cài trên 1 tỷ thiết bị đang hoạt động tính đến tháng 3/2020. Một thành tích ấn tượng, dù rằng quá trình này tốn nhiều thời gian hơn so với hi vọng ban đầu của Microsoft.

Windows 10 còn có nhiều tính năng hấp dẫn mà 5 năm về trước, chưa ai từng nghĩ đến, như Windows Subsystem for Linux.

Microsoft cũng mang gói trả phí Xbox Games Pass xuất sắc của hãng lên PC. Với một khoản phí rất hợp lý mỗi tháng, bạn được truy cập đến hàng trăm tựa game, cực kỳ giá trị so với số tiền bỏ ra. Điểm trừ duy nhất là các game phải được tải về thông qua Microsoft Store.

Và dù các bản cập nhật của Windows 10 thời gian qua có thể mang tính "hên xui", Microsoft đã giữ lời hứa tung ra các bản cập nhật lớn dành cho Windows 10 ít nhất mỗi năm một lần, qua đó trang bị thêm cho hệ điều hành những tính năng mới cùng những thay đổi lớn và hoàn toàn miễn phí.

Như vậy, sau 5 năm, Windows 10 có thể chưa đạt được kỳ vọng của chúng ta - hay của Microsoft, nhưng mặc cho những khó chịu trong quá trình sử dụng, vẫn có nhiều điểm tích cực về nó, và nhiều thứ hấp dẫn khác đáng để trông chờ trong 5 năm tiếp theo. 

(Theo VnReview, TechRadar)

Windows 10 sắp có thay đổi giao diện đáng kể

Windows 10 sắp có thay đổi giao diện đáng kể

Với giao diện mới của Windows 10, Start Menu được thiết kế liền mạch hơn, bỏ đi các bảng màu phía sau logo ứng dụng và áp dụng nền đồng nhất, trong suốt một phần.