Để đảm bảo sự phát triển liên tục của Internet, từ năm 2008, Việt Nam đã triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi sang địa chỉ Internet IPv6 và đến tháng 1/2009, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia được thành lập. Tiếp đó, vào cuối tháng 3/2011, Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã được Bộ TT&TT ban hành, với lộ trình triển khai chuyển đổi IPv4 sang IPv6 theo 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011 – 2012); Khởi động (2013 – 2015); Chuyển đổi (2016 – 2019”.

Việt Nam đã có hơn 21 triệu người sử dụng địa chỉ Internet IPv6 | Việt Nam xếp thứ 5 khu vực ASEAN về ứng dụng địa chỉ Internet IPv6 | Chuyển đổi IPv6 của Việt Nam đã vượt xa mục tiêu đề ra | Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu về tỷ lệ ứng dụng IPv6

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC, Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tại sự kiện Internet Day 2019 (Ảnh: Khánh Huyền)

Trao đổi với ICTnews bên lề sự kiện Internet Day 2019, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết, mục tiêu tổng thể đặt ra trong kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 là đến hết năm 2019 Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6. Trong lộ trình chuyển đổi sang IPv6, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia mong muốn hết năm nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình của thế giới.

Hiện tại, mức trung bình thế giới là khoảng 22%. Với Việt Nam, thực tế, tính đến hết tháng 11/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã xấp xỉ 40%, gần gấp 2 lần mức trung bình của thế giới, vượt xa mục tiêu đề ra.

“Việt Nam đang đứng nhóm các nước dẫn đầu về chuyển đổi sang IPv6 tốt nhất thế giới. Đã có thời điểm như tháng 5/2019 chúng ta vươn lên vị trí thứ năm toàn cầu và thứ nhất ASEAN. Hiện tại, vị trí của Việt Nam là thứ tám thế giới và thứ hai ASEAN, với hơn 21 triệu người sử dụng IPv6. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao việc chuyển đổi IPv6 của chúng ta”, ông Trần Minh Tân cho hay.

Đóng góp lớn nhất vào kết quả ấn tượng của mức độ ứng dụng IPv6 ở Việt Nam, theo đại diện VNNIC, hiện đang thuộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), cụ thể là các nhà mạng có cung cấp đường truyền Internet cáp quang đến các khách hàng cho cả khối cơ quan tổ chức và hộ gia đình.

Số liệu của VNNIC cho thấy, tính đến tháng 11/2019, Việt Nam có hơn 11 triệu thuê bao FTTH hoạt động tốt với IPv6, trong đó Viettel và VNPT cùng có mỗi đơn vị 5 triệu thuê bao và FPT Telecom có 1,5 triệu thuê bao.

Cũng theo đại diện VNNIC, quá trình chuyển từ IPv4 sang IPv6 đã một lần nữa khẳng định sự tiện lợi của việc triển khai IPv6. Trước đây, khi triển khai IPv4 xuống đến hộ gia đình, việc cài đặt mỗi khi có thay đổi rất khó khăn. Lợi thế “Plug and play” (Cắm là chạy) của IPv6 đã phát huy tác dụng tối đa trong việc triển khai IPv6, các nhà mạng hầu như không phải đến trực tiếp đến địa chỉ khách hàng mà có thể cài đặt trên hệ thống tổng đài của đơn vị mình một cách đơn giản, thuận tiện.

“Đây cũng là một trong những lý do để sau khi các nhà mạng chuẩn bị xong trong nội bộ đơn vị họ, tốc độ triển khai chuyển đổi sang IPv6 xuống các khách hàng lại khá nhanh”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.

Việt Nam đã có hơn 21 triệu người sử dụng địa chỉ Internet IPv6 | Việt Nam xếp thứ 5 khu vực ASEAN về ứng dụng địa chỉ Internet IPv6 | Chuyển đổi IPv6 của Việt Nam đã vượt xa mục tiêu đề ra | Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu về tỷ lệ ứng dụng IPv6

Một phần đóng góp không nhỏ nữa đẩy nhanh lượng ứng dụng IPv6 của Việt Nam là việc chuyển đổi IPv6 đồng bộ với các nhà mạng cung cấp dịch vụ di động 3G, 4G. Hiện tại, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam đều đang chạy ổn định trên IPv6, với số thuê bao di động 3G, 4G hoạt động tốt với IPv6 của Viettel, MobiFone, VinaPhone lần lượt là 11 triệu, 10 triệu và 3 triệu thuê bao.

“Do nhu cầu sử dụng di động, Internet nhiều nên số lượng thuê bao di động ứng dụng IPv6 cao; song băng thông IPv6 vẫn nằm chủ yếu ở dịch vụ Internet cáp quang FTTH”, đại diện VNNIC thông tin thêm.

Như vậy, cơ bản hết năm nay là thời điểm kết thúc giai đoạn cuối cùng – Chuyển đổi của kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy phát triển IPv6. Sau 12 năm thúc đẩy phát triển sử dụng địa chỉ Internet IPv6, Việt Nam thu được kết quả ứng dụng IPv6 xuất sắc, vượt xa các mục tiêu đã đề ra: mạng Internet Việt Nam được chuyển đổi sang thế hệ mới sử dụng IPv6, hoạt động ổn định; dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng (gồm cả dịch vụ của doanh nghiệp và dịch vụ công của cơ quan nhà nước), góp phần đảm bảo cho hoạt động Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới.

Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân cho biết, với vai trò thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, tới đây Trung tâm sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ TT&TT việc Ban công tác đã hoàn thành nhiệm, có thể giải thể.

Tuy nhiên, ông Trần Minh Tân cũng chỉ rõ, đánh giá tổng thể chung về triển khai chuyển đổi IPv6 của Việt Nam vẫn còn 2 điểm yếu so với các nước phát triển, đó phần ứng dụng IPv6 trên hệ thống của khối cơ quan Đảng, Nhà nước và khối doanh nghiệp dịch vụ nội dung vẫn còn thấp. Tính đến tháng 11/2019, Việt Nam có hơn 10.650 website hoạt động tốt với IPv6 dưới tên miền “.VN”, trong đó số lượng website của cơ quan nhà nước rất thấp, chỉ chiếm chưa tới 1%.

Thông tin về những công việc cần triển khai tiếp trong thời gian tới, ông Trần Minh Tân cho biết, sau khi chúng ta công bố hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, việc thúc đẩy phát triển IPv6 vẫn sẽ là nhiệm vụ mà Bộ TT&TT, trực tiếp là VNNIC phải tiếp tục thực hiện. Cụ thể, phải tiếp tục có những hỗ trợ với các cơ quan, tổ chức trong việc chuyển đổi, ứng dụng IPv6, đặc biệt là chương trình “IPv6 For Gov” – Chương trình làm việc, tư vấn trực tiếp cho các cơ quan nhà nước, các Sở TT&TT về ứng dụng triển khai IPv6 và hỗ trợ quy hoạch lại mạng lưới, phát triển hệ thống ứng dụng CCNTT hiện đại, an toàn cho các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả cho phát triển Chính phủ điện tử.

Việt Nam đã có hơn 21 triệu người sử dụng địa chỉ Internet IPv6 | Việt Nam xếp thứ 5 khu vực ASEAN về ứng dụng địa chỉ Internet IPv6 | Chuyển đổi IPv6 của Việt Nam đã vượt xa mục tiêu đề ra | Việt Nam xếp thứ 8 toàn cầu về tỷ lệ ứng dụng IPv6

Theo tài liệu hướng dẫn triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước, chương trình “IPv6 For Gov” gồm có 3 giai đoạn với 10 chuyển đổi IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet của các cơ quan nhà nước như: Đào tạo truyền thông; Lập kế hoạch; Tài nguyên; Kết nối, định tuyến; Phần mềm, ứng dụng; Chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu; chuyển đổi IPv6 kết nối WAN tới các đơn vị…

“Đây là nhiệm vụ sẽ còn phải kéo dài trong khoảng 2- 3 năm tới để dần dần chuyển đổi nốt các hệ thống này, nếu không chúng ta sẽ đi ngược với tiến trình chung của thế giới. Trong khi người dân đang dùng IPv6 nhưng khi truy cập vào các Cổng thông tin cơ quan nhà nước lại phải dùng IPv4, như vậy vô tình chúng ta đang gián tiếp cản trở việc truy cập, sử dụng dịch vụ của người dân”, đại diện VNNIC cho biết.