Hơn 1.100 học sinh Việt Nam được trải nghiệm viết code thực tế nhờ sáng kiến CODE4Schools | CODE4Schools tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam được trải nghiệm viết code thực tế

Học sinh trường Quốc tế TAS tham gia một buổi học của CODE4Schools (Ảnh: Michael Tatarski)

Thông tin từ Đại học RMIT Việt Nam cho hay, theo Phó giáo sư Jerry Watkins - Quản lý Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số (CODE), việc đem robot đến các trường phổ thông trung học để dạy các em học sinh về viết code và các kỹ năng kỹ thuật số quan trọng khác là một hoạt động mở rộng hướng đi của Trung tâm.

 “Một trong những mục tiêu ban đầu của CODE là hỗ trợ giáo viên trung học ở Việt Nam thực hiện sáng kiến số trong thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy và nhiều hoạt động khác. Chúng tôi có rất nhiều sáng kiến xung quanh vấn đề này từ ngày đầu thành lập vào tháng 5/2016. CODE4Schools là sáng kiến mới nhất của Trung tâm tập trung vào các trường phổ thông trung học. Theo đó, chúng tôi làm việc trực tiếp với giáo viên và học sinh từ các trường phổ thông trung học Việt Nam và quốc tế”, Phó giáo sư Jerry Watkins chia sẻ.

Triển khai sáng kiến CODE4Schools, Phó giáo sư Jerry Watkins và các nhân viên làm việc tại CODE đã xây dựng những cách học vui để thu hút học sinh và giáo viên, chú trọng vào các chủ đề thuộc STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học), đặc biệt là viết code và kỹ thuật chế tạo robot.

“CODE thực hiện nhiều dự án với các trường phổ thông trung học Việt Nam, trường quốc tế và thỉnh thoảng cả với các trường song ngữ. CODE có thể đến các trường học để tổ chức các buổi học hoặc học sinh sẽ được đưa đến tham quan Đại học RMIT và tham dự các buổi học tại đây”, bà Huỳnh Thục Yến, điều phối viên cấp cao của CODE chia sẻ.

Hơn 1.100 học sinh Việt Nam được trải nghiệm viết code thực tế nhờ sáng kiến CODE4Schools | CODE4Schools tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam được trải nghiệm viết code thực tế

Học sinh làm việc cùng nhau để có thể điều khiển tốt robot Sphero trong một buổi học ((Ảnh: Michael Tatarski)

Trong năm ngoái, CODE4Schools đã thực hiện 49 buổi học cho 1.100 học sinh từ 21 trường trung học ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ. Một trong những ứng dụng hết sức thành công cho đến nay là dùng việc dùng robot Sphero® trong các buổi học này.

“Robot Sphero® được thiết kế để giảng dạy, và hoàn toàn tròn trịa nên rất chắc chắn và có thể dùng với học sinh phổ thông trung học. Hiện lượng lớn tài liệu hỗ trợ trẻ em, học sinh và giáo viên đều bằng tiếng Anh, nên điều chúng tôi đang tập trung thực hiện là tạo ra những trải nghiệm học tương tác cho học sinh và giáo viên bằng tiếng Việt”, Phó giáo sư Jerry Watkins cho biết.

Bằng cách lập trình hướng dẫn để robot di chuyển và bật đèn, các em học sinh sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức về những gì các em thực hiện - điều cốt lõi với việc học của các em.

“Các em có thể học viết code và lập trình trên máy tính, nhưng có thể khó để kiểm tra xem những gì các em thực hiện có đúng hay không. Nhưng với Sphero, các em có thể thấy đoạn code của mình đúng hay sai ngay lập tức. Sphero hồi đáp rất nhanh nhạy, nhờ đó các em học sinh rất tích cực tham gia vào quá trình học”, bà Huỳnh Thục Yến cho hay.

Đại diện Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số thuộc Đại học RMIT Việt Nam cho biết thêm, sắp tới Trung tâm sẽ bổ sung thêm bài giảng STEM tại các trường học qua các buổi học tương tự nhằm đem đến cho học sinh kiến thức các em hiện đang cần.

“Tại Việt Nam, cũng như ở các quốc gia khác, viết code và lắp ráp robot cực kỳ quan trọng. Đây không còn là yêu cầu trong tương lai của xã hội nữa mà là ngay thời điểm này, ngay bây giờ”, đại diện Trung tâm Xuất sắc kỹ thuật số giải thích.