Đây là thông tin được các chuyên gia nhận định tại hội thảo “Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm” vừa diễn ra. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Techfest 2021.

Bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý chia sẻ, thành phố thông minh việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả dựa trên các nguồn lực mà chúng ta đang có để phát triển bền vững bởi mục tiêu cuối cùng của Smart city vẫn là chất lượng cuộc sống của con người.

{keywords}
Mục tiêu cuối cùng đô thị thông minh là chất lượng cuộc sống của con người. Ảnh minh họa

Thông tin được đưa ra tại hội thảo, tại Việt Nam đã có hơn 30 tỉnh, thành đã có thành phố thông minh hoặc có các đề án xây dựng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi xây dựng đô thị thông minh đó là quyền riêng tư của con người khi chúng ta tập trung quá nhiều vào công nghệ. Điều này có thể gây ra sự thiếu bền vững. "Trong đại dịch Covid-19 việc phát triển công nghệ và giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn, kết nối được với nhau. Nhưng nó cũng đặt ra một vấn đề khác đó là nhóm người yếu thế sẽ sử dụng công nghệ như thế nào trong thành phố thông minh", bà Tú Anh nói.

Về phía mình, bà Hooyung Young, Phó Chủ tịch tổ chức United Way Worldwide chia sẻ về mô hình thực nghiệm thúc đẩy cơ hội cho các sáng kiến của startup nhằm tạo cơ hội để các startup có thể thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của họ tại cộng đồng người dùng thực tế.

Bà Hooyung Young cho rằng, cách tiếp cận này cũng có thể sử dụng trong cách tiếp cận thành phố thông minh, nơi đặt các nhu cầu con người, của các nhóm đa dạng làm trọng tâm, từ đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các bên liên quan thử nghiệm và xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ các nhu cầu của con người. 

Ở góc nhìn của mình, ông Trịnh Minh Giang, Giám đốc điều hành VTI Cloud nhận định, các mô hình đô thị thông minh nhằm tập trung phát triển 3 yếu tố cốt lõi đó là: Chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người (bao gồm cả những người “dễ bị tổn thương” như người già, trẻ em và người yếu thế); Năng lực cạnh tranh kinh tế của đô thị. Khu đô thị có nền kinh tế phát triển sẽ thu hút được nguồn lao động chất lượng cao. Cuối cùng là đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Giang cho rằng, ba trọng tâm này cần được xây dựng trên một nền tảng và hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để có thể can thiệp và thúc đẩy ở nhiều lĩnh vực như môi trường, giáo dục, an ninh, giao thông, kinh tế…với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho từng người dân trong đô thị.

"Đô thị thông minh cần bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ nhất, giải quyết những vấn đề nhỏ và có nhiều lợi ích cho những công dân của đô thị", ông Giang nói.

Ngoài ra, cũng cần coi việc đầu tư như một khoản đầu tư kinh doanh và cần có tính bền vững. các dự án cần có sự trao quyền cần có cơ quan điều hành dự án; Làm từng bước tức là từng bước nhỏ và thành công từ từng bước đó để thông qua đó xây dựng các kế hoạch, mức độ ưu tiên.

Nói đến việc phát triển thành phố thông minh sau đại dịch, bà Trịnh Tú Anh cho biết, cần quan tâm đến các khía cạnh phục vụ cho đời sống các cá nhân. Chẳng hạn, chỉ khoảng 20% người dân chấp nhận và thay đổi theo xu hướng làm việc từ xa. Tuy nhiên đối với nhóm “dễ bị tổn thương”, những cơ sở hạ tầng và các nguồn lực hiện tại chưa sẵn sàng để hỗ trợ cho nhiều người thay đổi theo xu hướng mới. Chính vì thế, vấn đề của người phát triển công nghệ và làm quy hoạch phải hợp tác để phục vụ cho sự thay đổi của mọi đối tượng.

Thiết kế và quy hoạch nhà ở phù hợp với lối sống mới. Trước đây, những sinh hoạt đều được diễn ra ngoài cộng đồng, nhưng sau dịch mọi thứ đều được “mang về nhà”. Chính vì thế mà ngôi nhà cần được thiết kế để đảm bảo được không gian chung, nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư để cuộc sống của người dân có thể diễn ra linh hoạt hơn.

Ngoài ra, bà Tú Anh cũng nhận định, các dự án và quy hoạch đều chưa quan tâm đến khả năng tự phục hồi sau dịch. Chẳng hạn là việc còn thiếu những khu vực linh hoạt để đối phó với những sự cố bất ngờ như đại dịch Covid-19.

Hoàng Nam