Khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, trẻ em ngày càng sớm được tiếp cận Internet. Bên cạnh các mặt tích cực như nhận được nhiều thông tin, kiến thức hữu ích hay tăng cường tương tác xã hội thì môi trường mạng có không ít cạm bẫy, rủi ro. Mạng Internet chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại.

{keywords}
(Ảnh minh họa: vinhlong.gov.vn)

Do dịch Covid-19, các em nhỏ thường xuyên phải học qua Internet. Những điểm thuận lợi của việc học trực tuyến là thiết kế bài giảng sinh động, hình ảnh minh họa thú vị, nguồn kiến thức bổ trợ phong phú, nâng cao hiệu quả tương tác giữa giáo viên và học sinh, góp phần khắc sâu kiến thức, hiệu quả tiết dạy được nâng cao. Tuy nhiên, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, nhắc nhở, định hướng và điều chỉnh kịp thời của phụ huynh, những thông tin xấu độc sẽ vô tình ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý và hành động của các em. Các em có thể thu mình vào thế giới ảo để rồi xa rời thực tế, thậm chí các đối tượng xấu có thể lợi dụng môi trường mạng để dụ dỗ và xâm hại. Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh và người lớn trong gia đình do bận đi làm không có nhiều thời gian quản lý, theo dõi con em mình học và tiếp cận những gì trên mạng Internet nên nguy cơ ảnh hưởng xấu đến các em là rất lớn.

Ông Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, cho biết, môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với học sinh khi việc sử dụng Internet thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng tâm lý các em bị bất ổn, xuất hiện thông tin ngoài ý muốn cũng như những nội dung không phù hợp với lứa tuổi của học sinh. Do đó, ngành đã và đang tiếp tục chỉ đạo quán triệt đến mọi cơ sở giáo dục nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tạo môi trường học tập an toàn, hiệu quả bảo vệ  trẻ em trên môi trường mạng.

Để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ, ứng dụng viễn thông, internet và thông tin trên mạng. Phối hợp cùng các ban, ngành có liên quan thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, tiếp nhận, điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Theo Thượng tá Lê Minh Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Vĩnh Long, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể, cơ quan nhà trường, gia đình tuyên truyền nâng cao hiểu biết những kiến thức cho học sinh về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng một cách bổ ích, an toàn; tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp đối với dịch vụ Internet và thông tin trên mạng hoạt động của số người dùng có tầm ảnh hưởng lớn đối với trẻ em trên mạng xã hội nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa xác minh điều tra, truy vết các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường gian mạng. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm xâm hại trẻ em cũng như công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần nhiều thời gian quan tâm, theo dõi con em khi các em tiếp xúc với môi trường mạng, không để con “nghiện” mạng xã hội hay điện thoại. Cần trang bị cho con em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và tự bảo vệ mình trên mạng.

Phụ huynh cần chia sẻ với trẻ thường xuyên về những hiểm nguy trên môi trường mạng, để trẻ có thể ý thức mỗi khi tham gia vào bất kỳ hình thức trực tuyến nào trên mạng Internet.

Hải Lam