Ngày 29/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đơn vị phối hợp Công an thị xã Từ Sơn đang xác minh vụ Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá Bảnh, nhân vật gần đây được nhiều người quan tâm trên YouTube, Facebook) đốt xe máy rồi đăng video lên mạng.

“Đơn vị đã cử cán bộ về địa phương để thu thập thông tin, công an thị xã Từ Sơn sẽ tiếp tục làm rõ”, đại diện công an tỉnh cho hay.

Phó trưởng công an xã Tam Sơn Nguyễn Khắc Tuấn cho biết hôm 26/3, qua nắm tình hình địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện Khá đốt chiếc xe máy tay ga tại bãi đất bỏ hoang nằm sâu trong một trường lái xe ở địa phương.

Cong an xac minh clip Kha Banh dot xe may doi xe dien hinh anh 1
Hình ảnh Khá Bảnh đốt chiếc xe máy ở Từ Sơn. Ảnh: YouTube.

Dù không có người dân nào khiếu nại hay phản ánh, tuy nhiên trưa 29/3, 2 cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự đã về làm việc với nam thanh niên sinh năm 1993. Trước mắt, công an ghi nhận sự việc và lập biên bản.

Thông tin ban đầu, Khá Bảnh mang xe ra đốt, đồng thời quay clip đăng lên mạng với mục đích thông báo việc đốt xe ga để mua xe điện. Về nguồn gốc phương tiện, ông Tuấn cho biết chưa xác định chiếc xe thuộc sở hữu của ai.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, căn cứ thông tin ban đầu về vụ việc, cơ quan chức năng rất khó xử lý hình sự Ngô Bá Khá.

Địa điểm thanh niên này đốt xe tại bãi đất trống không có dân cư sinh sống. Hành vi của Khá Bảnh cũng không gây cản trở giao thông hay ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc làm của anh ta chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167.

Ngoài ra, quá trình xác minh, nếu có căn cứ khẳng định Ngô Bá Khá tung clip đốt xe lên mạng để cổ súy mục đích xấu, lôi kéo, kích động người khác cho mục đích phạm tội nào đó, thì mới đủ cơ sở xem xét xử lý hình sự.

“Việc làm của thanh niên này dù khó truy cứu hình sự nhưng về mặt đạo đức xã hội, hành vi đó cần phải lên án”, luật sư Tuyến nhận xét.

Ông phân tích, chiếc xe tay ga bị đốt dù thuộc sở hữu của Khá thì đó cũng là một tài sản. Hành động hủy hoại tài sản có thể gây ảnh hưởng đến giới trẻ, khiến cộng đồng bắt chước làm theo. Khi đó, hàng loạt tài sản bị phá hủy làm cho xã hội thiệt hại lớn về kinh tế.

Cong an xac minh clip Kha Banh dot xe may doi xe dien hinh anh 2
Ngô Bá Khá từng bị Cục CSGT phạt 5,5 triệu đồng sau khi dừng ôtô chụp ảnh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Cục CSGT.

Cùng quan điểm này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng chỉ ra rằng, nếu chiếc xe là tài sản của Ngô Bá Khá thì không thể xử lý hình sự anh này.

Còn trường hợp xe tay ga đó là của người khác, cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với Khá về tội Hủy hoại tài sản, dù bị hại có trình báo hay không.

Trong vụ việc này, chính quyền địa phương chỉ có thể phạt tiền nam thanh niên theo Nghị định 167 về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, nếu đủ cơ sở xác định Khá đốt xe máy để quảng cáo cho xe đạp điện, thì anh ta đã vi phạm Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, người vi phạm Luật này cũng chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Theo Khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, nghiêm cấm hành vi quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.

Khoản 14 Điều này cũng cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Theo luật sư, hãng sản xuất chiếc xe bị đốt cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi này của Khá Bảnh gây ra cho thương hiệu.