Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào sáng ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021.

{keywords}
Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vừa họp phiên thứ 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Phạm Hải)

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2021 là năm thứ hai triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam.

Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều ứng dụng số, nền tảng số có nhiều chục triệu người dùng. Tuy nhiên, năm 2021 cũng chứng kiến không ít ý kiến phê bình về sự yếu kém của các sản phẩm công nghệ số phòng chống dịch.

Qua thử thách, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã trưởng thành rõ rệt về các nền tảng số quy mô lớn, đảm bảo an toàn dữ liệu người dân và triển khai trên toàn quốc. Cũng vì thế, báo cáo DTI 2021 được chọn có chủ đề “Chuyển đổi số từng bước trưởng thành qua việc triển khai công nghệ phòng, chống dịch bệnh”.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là hành trình dài, mỗi tổ chức, cá nhân phải biết mình đang ở đâu để có những kế hoạch, giải pháp phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu và điều kiện thực tế. Để giúp các bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình, Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số và định kỳ hàng năm thực hiện đánh giá, công bố kết quả.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: Phạm Hải)

Chia sẻ về những điểm nổi bật của DTI 2021, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay, giá trị DTI 2021 của cấp bộ cung cấp dịch vụ công là cao nhất, tiếp đến là cấp tỉnh và cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.

Trong đó, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020; cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với năm 2020.

{keywords}
So với năm 2020, cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của DTI 2021 cấp tỉnh đều tăng. (Ảnh minh họa)

Giá trị trung bình DTI 2021 cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm nhẹ so với năm 2020. Lý do là năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.

Cũng theo báo cáo vừa được công bố, có 12/89 bộ, tỉnh tham gia đánh giá có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Kết quả này phản ánh quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.

{keywords}
Xếp hạng DTI 2021 và các chỉ số chính của Top 10 bộ cung cấp dịch vụ công.

Kết quả đánh giá với từng nhóm đối tượng cho thấy, trong 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính duy trì vị trí đứng đầu, với giá trị 0,6321, tăng 0,13 so với so với năm 2020. Bộ KH&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mỗi cơ quan cùng tăng 1 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng.

Bảy vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.

{keywords}
Xếp hạng DTI 2021 và các chỉ số chính của các bộ không cung cấp dịch vụ công.

Đối với 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI 2021 là 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu, tăng 2 bậc so với kết quả đạt được trong kỳ đánh giá đầu tiên. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

{keywords}
Top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về DTI 2021.

Với nhóm các tỉnh, thành phố, 2 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với giá trị DTI 2021 của 2 địa phương đạt được là 0,6419 và 0,5872, tăng lần lượt 0,1545 và 0,1775 so với năm 2020.

TP.HCM đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2020, vượt lên xếp thứ 3 trên toàn quốc. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.

Từ kết quả đánh giá DTI 2021, đại diện Bộ TT&TT cho hay, chỉ số trung bình DTI của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.

Các bộ, ngành, địa phương cũng được khuyến nghị cần theo dõi sát sao mức độ chuyển đổi số của mình qua đánh giá DTI hằng năm để có những giải pháp thúc đẩy phù hợp, khắc phục hạn chế, không chạy theo phong trào.

“Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời”, đại diện Bộ TT&TT khuyến nghị. 

DTI 2021 gồm 3 cấp là DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.  Cấu trúc DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. DTI cấp bộ có 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI quốc gia gồm 24 chỉ số, các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế.

Vân Anh

Hôm nay, công bố mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021

Hôm nay, công bố mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021

Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI cấp bộ, tỉnh năm 2021 sẽ được Bộ TT&TT công bố tại phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số được tổ chức ngày 8/8 tại Hà Nội.