"Người nhân tạo" của startup Neon. Ảnh: CNN

Robot Ballie được Samsung giới thiệu tại CES 2020 sẽ có thêm tính năng gọi trợ giúp 911 khi thấy ai đó bị ngã. Không rõ, “người nhân tạo” của startup Neon có tác dụng tương tự hay không. Như vậy, chúng ta khi đó sẽ phải dựa vào một thiết bị hay avatar nhìn giống hệt con người mà không phải một ai khác.

Theo Samantha Murphy Kelly, cây bút của CNN, nhiều công nghệ trình diễn tại CES năm nay vẽ ra bức tranh loài người cô đơn. Đó là con mèo robot đáng yêu, phản hồi lại các lệnh của chủ nhân; là robot giấy vệ sinh, biết mang cuộn giấy mới đến khi chủ nhân hết giấy; hay robot Lovot ra đời để trao cho bạn một cái ôm.

Công nghệ ngày càng gắn liền với sự đơn độc: chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh lập trình viên ngồi cặm cụi ở văn phòng lúc nửa đêm, game thủ không ra khỏi ghế suốt 12 tiếng đồng hồ hay hàng triệu người dành quá nhiều thời gian cho màn hình smartphone thay vì tiếp xúc với người xung quanh họ. Mạng xã hội khuyến khích chúng ta giao lưu với những người không thực sự quan tâm, chạy theo giá trị ảo mà nút like mang lại.

Với nhiều người, đơn độc là một vấn đề thực sự. Theo khảo sát 20.000 người trong độ tuổi từ 18 trở lên tại Mỹ của Cigna, gần một nửa nói họ cảm thấy cô đơn (46%) và cũng ngần ấy người nói họ không tương tác thực sự với bạn bè, gia đình mỗi ngày.

Hiện thực ấy cho thấy vì sao công nghệ “đồng hành” lại cất cánh như một danh mục độc lập, đặc biệt giữa những người già. Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận AARP cho thấy cô lập xã hội ảnh hưởng tới hơn 8 triệu người lớn và liên quan tới các vấn đề sức khỏe như trầm cảm, sa sút trí tuệ, huyết áp cao.

Công nghệ đồng hành có đủ loại từ robot chăm sóc, thú cưng đến “kỳ nghỉ” thực tế ảo (VR). Chẳng hạn, một số cộng đồng cho phép công dân của mình du lịch châu Âu bằng… headset VR, giúp họ ra nước ngoài mà thậm chí không cần đứng dậy. Đôi khi, bạn bè, người thân cũng gặp nhau trong thế giới ảo.

Alexandra Hamlet, chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại Viện trí óc trẻ em, chuyên về rối loạn ro âu và cảm xúc, cho biết từ góc độ tâm lý và sức khỏe, không gì qua được tương tác và kết nối giữa người với người. Từ thời đồ đá, loài người tìm kiếm nhau để sống sót. Điều đó cho tới nay không hề thay đổi.

Dù công nghệ tiến bộ thế nào, vẫn có rào cản khi thiết lập quan hệ với robot và avatar điện tử. Chẳng hạn, có một hội chứng tên là Uncanny Valley, nơi mọi người cảm thấy kỳ lạ vì những thứ giống người mà không phải người (như hình nộm, chú hề, ma-nơ-canh).

Theo Hamlet, dù công nghệ có tốt tới đâu, robot có giống người hay mèo tới mức nào, chúng ta sau cùng cũng không thể kết nối thực sự với chúng vì cho tới khi robot trở nên không thể phân biệt với con người từ cử chỉ, giọng nói, cách xử sự. Hạn chế đó dẫn tới hai lựa chọn: đặt công nghệ sang một bên để tái đầu tư vào thế giới thực, hoặc tăng cường phụ thuộc vào công nghệ hiện đại để lấp khoảng trống. Dựa theo những gì tại CES, dường như nhiều công ty đặt cược rằng chúng ta sẽ chọn phương án hai.