Công bố xếp hạng Chính quyền điện tử của 264 cơ quan nhà nước

Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2021 vừa được UBND tỉnh này chính thức công bố.

Theo đó, việc xếp hạng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thực hiện 3 nhóm gồm các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các UBND xã, phường, thị trấn. Các đơn vị được đánh giá theo 7 tiêu chí chính là hạ tầng CNTT, nhân lực CNTT, môi trường chính sách, mức độ hiện diện, mức độ tương tác, mức độ giao dịch và mức độ chuyển đổi.

{keywords}
Kết quả xếp hạng Chính quyền điện tử của 10/26 sở, ban, ngành tại Phú Thọ năm 2021.

Cụ thể, ở nhóm 26 sở, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ, 10 đơn vị có tổng điểm năm 2021 cao hơn cả lần lượt là Cục Thuế tỉnh; Sở TT&TT, Văn phòng UBND tỉnh; Sở Y tế; Sở Tài chính; Sở KH&ĐT; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Sở LĐTB&XH; Sở GD&ĐT.

Với nhóm 13 UBND huyện, thị xã, thành phố, trong năm 2021 các cơ quan đều có sự cải thiện điểm số so với năm 2020. Năm cơ quan có điểm số cao là các UBND thị xã Phú Thọ, huyện Tân Sơn, huyện Tam Nông, huyện Yên lập và huyện Thanh Ba.

{keywords}
Kết quả xếp hạng Chính quyền điện tử của 13 huyện, thị xã, thành phố của Phú Thọ năm 2021.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng công bố chi tiết điểm số về mức độ phát triển Chính quyền điện tử năm 2021 của 225 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức 3, 4 chiếm trên 55,7%

Cùng với việc công bố xếp hạng mức độ Chính phủ điện tử cơ quan nhà nước trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ còn có đánh giá, nhận định về tình hình phát triển chính quyền điện tử tại địa phương trong năm vừa qua, về mức độ hiện diện, mức độ tương tác, mức độ giao dịch cũng như mức độ chuyển đổi.

Đơn cử như, về mức độ chuyển đổi, 100% cơ quan cấp sở, cấp huyện ứng dụng mẫu biểu điện tử, 3 đơn vị ứng dụng quản lý người dùng và đăng nhập 1 lần cho các phần mềm ứng dụng là Cục Thuế tỉnh, Kho bạc nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

100% các cơ quan nhà nước của tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ hệ thống một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo các điều kiện kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ quan, đơn vị đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính phục người dân và doanh nghiệp.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh triển khai gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). Tỷ lệ văn bản đi ký số thay thế văn bản giấy cấp sở, cấp huyện đạt trên 96,08% tăng 4,79% so với năm 2020; Tỷ lệ văn bản đi ký số thay thế văn bản giấy cấp xã đạt 73,06%, tăng 7,2% so với năm 2020.

{keywords}
Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh (Ảnh minh họa: Sở TT&TT Phú Thọ)

Về mức độ giao dịch, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Hệ thống cung cấp 1.985 thủ tục hành chính, trong đó tỷ lệ dịch vụ công mức 3, 4 đạt 75,36%. Trong năm 2021, hệ thống đã tiếp nhận 940.469 hồ sơ và thực hiện giải quyết 917.118 hồ sơ đạt, tỷ lệ 97,51% hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến mức 3, 4 là 513.922 hồ sơ, đạt tỷ lệ 55,73%, tăng 25,33% so với năm 2020.

Cùng với đó, 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; UBND cấp xã, phường; thị trấn đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện triển khai tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 863 hồ sơ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai tại thành phố Việt Trì, huyện Thanh Sơn, huyện Tam Nông, huyện Tân Sơn, thị xã Phú Thọ.

Trong năm 2021, hệ thống Hội nghị trực tuyến đã được triển khai đồng bộ đến 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tổng số đã diễn ra hơn 500 cuộc họp trực tuyến được tổ chức với hơn 3.000 điểm cầu, số đại biểu dự họp trên 250.000 người.

Kết quả đánh giá cho thấy, việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến đã góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh về cấp huyện, xã. Tuy nhiên, bên cạnh những huyện triển khai tốt như Tân Sơn, Thanh Thủy… tỷ lệ cuộc họp trực tuyến trên tổng số cuộc họp nội huyện giữa cấp huyện và cấp xã chưa cao, một số đơn vị chưa thường xuyên tổ chức họp giao ban trực tuyến từ cấp huyện về cấp xã như Phù Ninh, Tam Nông.

Vân Anh

Những thay đổi vượt bậc trong xây dựng chính phủ điện tử tại Phú Thọ trong 05 năm qua

Những thay đổi vượt bậc trong xây dựng chính phủ điện tử tại Phú Thọ trong 05 năm qua

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, về Viễn Thông – CNTT giữa tỉnh Phú Thọ và Tập đoàn VNPT là sự hợp tác toàn diện, chặt chẽ và góp phần thay đổi về chất và lượng hạ tầng công nghệ nơi miền Trung du này.