Cung cấp dịch vụ công trực tuyến nếu không lấy người dân làm trung tâm sẽ thất bại

Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT, tính đến cuối năm ngoái, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do Bộ, ngành cung cấp là 1.721 dịch vụ và do địa phương cung cấp là 45.247 dịch vụ (Ảnh minh họa: Internet)

Trong trao đổi tại hội nghị công bố kết quả thực hiện Quyết định 877 ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giai đoạn 2018 - 2019 của tỉnh Bắc Ninh mới đây, lấy câu chuyện thực tế triển khai cung cấp dịch vụ công tại Bắc Ninh - địa phương đã có hơn 819 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, chiếm tỉ lệ 46% và số lượng 22.667 hồ sơ được giải quyết trực tuyến trong năm 2018, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ đã một lần nữa nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng Chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

“Nếu trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách cơ chế một cửa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà chúng ta không lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm thì sẽ thất bại. Người dân, doanh nghiệp chính là khách hàng của chúng ta… Chúng tôi rất quan tâm đến tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh khi người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính”, ông Ngô Hải Phan nói.

Ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải quan tâm đến cả 2 phía – cả phía người sử dụng dịch vụ là người dân, doanh nghiệp và phía cơ quan hành chính nhà nước, hai bên phải gặp nhau được.

Theo ông Ngô Hải Phan, thời gian tới, để có nhiều người sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các địa phương cần tiếp tục làm tốt việc truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ tại bộ phận một cửa; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cũng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn phát triển mới.

Riêng với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tại Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương được ban hành cuối tháng 10/2018, các bộ, ngành, địa phương đã được yêu cầu phải đẩy nhanh việc xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo các Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 846 ngày 9/6/2017 và Quyết định ngày 8/7/2018. Trường hợp cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn; hoặc có quy trình nghiệp vụ tương đồng, có thể triển khai đồng thời cùng với dịch vụ công khác.

“Việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện và giải quyết dịch vụ công trực tuyến”, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc từ năm 2012 đến nay, chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá có những bước tiến ấn tượng, từ vị trí 93 năm 2012 lên vị trí 82 vào năm 2014, tiếp tục nâng lên xếp hạng 74 vào năm 2016 và vươn lên xếp thứ 59/193 trong báo cáo mới nhất - năm 2018. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT cũng cho thấy, mặc dù số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao (mức 3, mức 4) tăng mạnh, song còn tồn tại tình trạng các cơ quan, địa phương có cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ trực tuyến (nhất là tại các địa phương).

Đơn cử như, trong quý IV/2018, tại bộ, ngành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 49,85% (858 dịch vụ công mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số 1.721 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4), còn tại địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 12,84% (5.813 dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số 45.247 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến nếu không lấy người dân làm trung tâm sẽ thất bại

Mặc dù tăng mạnh về số lượng dịch vụ công trực tuyến song tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến vẫn còn thấp, nhất là tại các địa phương.

Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ DTT nhận định, dịch vụ công trực tuyến hiện nay chúng ta đang có sự đẩy mạnh về mặt phong trào rất tốt. Những dịch vụ công nào do Bộ, ngành đứng ra triển khai trên toàn quốc thì cơ bản hiệu quả. Những dịch vụ công nào liên quan đến nhu cầu thiết yếu của người dân tại các tỉnh, thành phố lớn cũng hoạt động hiệu quả, ví dụ như tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…

“Điều đáng lo ngại nhất là nhiều dịch vụ công bộ, ngành, địa phương làm nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến ít, điều đó có nghĩa là làm ra nhưng ít người dùng. Chúng tôi cho rằng giai đoạn hiện nay cần tính toán kỹ thay vì triển khai đồng loạt dịch vụ công, cần phải lựa chọn theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để đảm bảo sự hỗ trợ, phục vụ tốt nhất”, ông Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm.

Người đứng đầu Công ty DTT cũng cho rằng, trong xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cần chuyển từ nhận thức phải làm sang cần làm: “Nếu làm ra hệ thống mà người dùng không sử dụng thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, cần đặt ngược lại vấn đề, nếu chúng ta không làm ra hệ thống thì sẽ không bao giờ người dùng có cơ hội sử dụng. Cần tính toán để trong giai đoạn khởi động vẫn phải làm hệ thống để người dân, doanh nghiệp biết tới và sử dụng, sau đó lấy ý kiến của họ để hướng tới xây dựng hệ thống hiệu quả hơn”.