Trong dự thảo cuối cùng về đạo luật Các thị trường tài sản mã hoá – MiCA (Crypto Asset Markets) do cơ quan lập pháp của EU đề xuất, có điều khoản cấm sử dụng các đồng tiền điện tử dựa trên mã hoá xác thực (PoW) do lo ngại về vấn đề năng lượng và môi trường.

Nếu đề xuất được thông qua, Bitcoin và Ether cũng như các đồng tiền mã hoá khác sẽ trở thành bất hợp pháp tại đây kể từ ngày 1/1/2025. Các công ty tiền ảo (crypto) cũng phải chấm dứt cung cấp dịch vụ tại các nước thành viên của khối.

Báo cáo viên MiCA, đồng thời là thành viên Nghị viện EU, Stefan Berger cho biết dự luật này đã nhận được “đèn xanh” và gần như chỉ chờ được bỏ phiếu thông qua trong ngày 28/2 tại nghị viện, nơi các đảng Xanh và đảng Xã hội đang chiếm đa số, cũng như một loạt các nước thành viên như Thuỵ Điển, Đức và Tây Ban Nha đều ủng hộ lệnh cấm đào PoW từ trước đó.

{keywords}
 

Thế nhưng, cuộc bỏ phiếu liên quan dự luật này đã bị tạm hoãn vô thời hạn, khi cuộc xung đột quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ sau thế chiến thứ 2, nổ ra vào ngày 24/2.

Gió đảo chiều?

Lý do Nghị viện EU hoãn biểu quyết về dự luật cấm tiền mã hoá là để cơ quan chức năng có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các điều khoản. Nhưng thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng đã tô đậm thêm vai trò của tiền mã hoá với đặc điểm “xuyên biên giới, phi tập trung”, và rất có thể đã khiến các lãnh đạo châu Âu phải suy nghĩ lại.

Ukraine là quốc gia nhận được sự ủng hộ chính trị công khai của EU, đang không chỉ dựa vào viện trợ nước ngoài, mà còn tận dụng mọi nguồn lực cho cuộc chiến. Theo Reuters, chính phủ quốc gia Đông Âu này đã quyên góp được hơn 13 triệu USD tiền mã hóa ngay trong ngày 26/2. Tới thời điểm ngày 28/2, Kiev đã “gọi vốn” được 20,9 triệu USD kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Thậm chí, nước này còn đăng tải cả ví điện tử Bitcoin, Ethereum và Tether để nhận quyên góp.

Không chỉ vậy, các đồng tiền mã hoá trở thành lựa chọn duy nhất của người dân tại Ukraine trong bối cảnh thiết quân luật toàn quốc, máy ATM hết tiền và ngân hàng ngừng hoạt động.

Trong khi đó, khi thị trường mở cửa ngày 28/2 tại Nga, đồng rúp tiếp tục giảm mạnh khi 1 USD “ăn” 108 rúp, so với 83 rúp của tuần trước đó. Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất chủ yếu từ 9,5% lên 20%, tiếp tục bơm tiền cho các cây ATM hàng dài người dân xếp hàng rút tiền mặt. Với việc Mỹ và phương Tây gạch tên ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, triển vọng đối với tiền tệ và kinh tế nước này không mấy sáng sủa.

Đồng tiền pháp định mất giá, lạm phát xảy ra, các lệnh cấm vận tới tấp, một lần nữa, đặc điểm “xuyên biên giới” và “phi tập trung” lại trở thành “cứu cánh” cho người dân Nga.

Khối lượng giao dịch của cặp rúp Nga và Bitcoin đã tăng vọt trong vài ngày trở lại đây. Theo số liệu của Kaiko, công ty phân tích crypto trụ sở tại Paris, khối lượng Bitcoin định giá bằng rúp đã vọt lên gần 1,5 tỷ rúp, tương đương mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Điều tương tự cũng được ghi nhận đối với các cặp Bitcoin – hryvnia (đồng tiền pháp định của Ukraine), Tether – rúp và Tether – hryvnia.

Gian nan tỏ mặt anh hào

Đã có thời điểm Bitcoin và thị trường tiền crypto cũng chao đảo, giống như phản ứng của các thị trường tài chính truyền thống khi đón nhận thông tin về cuộc chiến tranh.

Trong 24 giờ đầu tiên của cuộc khủng hoảng, tiền ảo toàn cầu bị thổi bay gần 5% vốn hoá thị trường, tương đương 1,6 ngàn tỷ USD. Bitcoin cũng chung số phận khi giá giảm từ 37.000 USD xuống quanh vùng 35.500 USD chỉ trong vòng 30 phút.

Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày, khi tâm lý các nhà đầu tư bắt đầu ổn định trở lại để phân tích diễn biến liên quan, thị trường tiền ảo đã hồi phục nhanh chóng. Vốn hoá crypto đạt 1,7 ngàn tỷ USD trong cùng ngày. Và vào thời điểm ngày 1/3, tổng vốn hoá đã tăng lên 1,8 ngàn tỷ USD.

Với sự tự tin của nhà đầu tư vào các yếu tố đầu vào (khả năng đào, tỉ lệ băm, độ khó thuật toán), Bitcoin lần lượt chinh phục các mốc giá, trước khi vượt qua mức 43.000 USD vào buổi sáng ngày đầu tiên tháng 3.

Theo dữ liệu của Coin Market Cap, vốn hoá của đồng tiền mã hoá hàng đầu này đã tăng lên gần 822 tỷ USD, chính thức vượt qua giá trị thị trường 629 tỷ USD của 65,3 ngàn tỷ rúp do ngân hàng trung ương Nga phát hành từ ngày 01/2.

So găng cùng vàng

Những sự kiện địa chính trị chính là một trong những thước đo thực tế nhất đối với vai trò và giá trị của tài sản đầu tư. Trước đây, vàng là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư và đóng vai trò tiền tệ chủ yếu mỗi khi khủng hoảng xảy ra. Giờ đây, tiền mã hoá, mà dẫn đầu là Bitcoin cũng phần nào đang cho thấy một vai trò tương tự.

Ngay khi tiếng súng nổ ra ngày 24/2, vàng với ngôi vương tài sản trú ẩn truyền thống, nhanh chóng tăng mạnh và khiến tất cả đều phấn khích. Nhưng tâm lý hồ hởi của những người đặt cược vào kim loại quý này không kéo dài được quá lâu.

Trong 12 tiếng đầu tiên của cuộc chiến, vàng tăng giá khoảng 3%-4%, trong khi Bitcoin giảm 6%. Thế nhưng, đồng tiền mã hoá đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, thậm chí còn tăng giá hơn cả trước đó. Qua cuối tuần, Bitcoin tăng 8% còn vàng giảm 1% cùng thời điểm. Những con số không hề nói dối về tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư với 2 tài sản đặc trưng cho tài chính truyền thống và tài chính 4.0.

Tất nhiên, Bitcoin và tiền ảo vẫn là những thị trường mới mẻ với sự biến động giá lớn, và sẽ cần thêm các “bài kiểm tra” để ghi điểm trong mắt nhiều người. Thế nhưng, ít nhất đến thời điểm này, những diễn biến gần đây tại Kiev và Moscow, có thể sẽ khiến các nhà lập pháp EU hay các quốc gia khác, có suy nghĩ về 1 cách tiếp cận khác cho câu hỏi: nên cấm hay quản lý tiền mã hoá?

Vinh Ngô

Bitcoin và tiền ảo trong cuộc chiến Nga – Ukraine

Bitcoin và tiền ảo trong cuộc chiến Nga – Ukraine

Kuna, sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Ukraine, trở thành trung tâm trong nỗ lực kêu gọi quyên góp thông qua tiền mã hóa của đất nước.