Đây là lần đầu tiên, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” với chủ đề “Kỷ nguyên của sự kết nối”, dành cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng khu vực miền Trung – Tây nguyên.

“IoT-AI Hackathon 2019” được kỳ vọng tạo nên một sân chơi giúp các bạn sinh viên có một không gian sáng tạo, giao lưu, chia sẻ các ý tưởng, đề tài liên quan đến các xu hướng khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) …

Cũng qua sân chơi này, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên có cơ hội tiếp cận, đồng hành cùng các tác giả, nhóm tác giả phát triển ý tưởng, đề tài, khơi nguồn sáng tạo, động viên tinh thần khởi nghiệp, kiến tạo sản phẩm theo hướng “Make in Vietnam” - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình,  Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết.

Kể từ nay đến hết ngày 30/6, các tác giả, nhóm tác giả sẽ thực hiện đăng ký ý tưởng với Ban tổ chức cuộc thi. Từ ý tưởng được đăng ký, vòng sơ loại sẽ chọn 15 ý tưởng vào vòng “Tranh tài”.

Ở vòng “Tranh tài” diễn ra từ 01/07 đến 20/07, các tác giả, nhóm tác giả được hướng dẫn cách xây dựng (viết và hoàn thiện) ý tưởng, chuẩn bị bài thuyết trình. Đặc biệt, các bạn được hỗ trợ tìm hiểu công nghệ sẽ ứng dụng trong ý tưởng, đề tài của mình; được định hướng về công việc lập trình, từ tìm hiểu các module phần cứng cơ bản đến lập trình phần cứng nguồn mở; huấn luyện kỹ năng tư duy thiết kế, xây dựng và sáng tạo các thiết bị, đồ dùng thông minh, bao gồm điều khiển, vận hành, nhận dạng, giám sát, cảnh báo…

Sẽ có 5 đến 7 ý tưởng được chấm chọn để đi tiếp vào vòng “Chạy đua thời gian”, các ý tưởng triển vọng này được Ban tổ chức giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, nhất là hỗ trợ vốn, giúp tác giả, nhóm tác giả hiện thực hóa ý tưởng, có thể phát triển sản phẩm ra thị trường.

“Sản phẩm có tính ứng dụng, tính thiết thực trong thực tiễn càng cao thì nhất định sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp. Đơn cử như một robot phục vụ cho việc gieo trồng, chăm sóc cây trồng. Chẳng hạn thiết bị drone (tức thiết bị bay không người lái có thể điều khiển từ xa, hoặc được lập trình trước. Còn gọi là unmanned aerial vehicle - UAV). Tương tự, là nhóm sản phẩm áp dụng cho nông nghiệp công nghệ cao; hay nhóm thiết bị giám sát an ninh, tự động cảnh báo khi có người đột nhập vào nhà. Nhóm sản phẩm chăm sóc-bảo vệ sức khỏe (kiểm soát, cảnh báo chỉ số huyết áp, tim mạch, thân nhiệt). Thiết bị, sản phẩm góp phần xây dựng thành phố thông minh, tự động phát hiện xe vi phạm giao thông, hay xe tự vận hành, thuyền tự lái.

Do vậy, điều cần quan tâm và đáng lưu ý nhất của các tác giả, nhóm tác giả ngay ở thời điểm này đó là ý tưởng hay đề tài phải thực sự khác biệt, tuyệt đối không sao chép những sản phẩm hay ý tưởng đã được hiện thực trong đời sống, trong sản xuất. Ý tưởng mới, tính sáng tạo rõ nét, kết hợp với yếu tố đột phá về sử dụng công nghệ mới là yếu tố quyết định sự vượt trội” - anh Trương Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM SQUARE (thành viên Ban tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi) cho biết thêm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình: “Ban tổ chức quyết định hướng các ý tưởng xoay quanh chủ đề IoT và AI, là nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho sinh viên không chỉ nắm bắt khái niệm mà vươn đến khả năng sáng tạo, chế tạo sản phẩm ứng dụng IoT, AI. Chính điều này giúp các em tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để tự tin khởi nghiệp cũng như hòa nhập vào môi trường làm việc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Công nghệ thông tin luôn là lĩnh vực mũi nhọn và là hạ tầng của hạ tầng kỹ thuật, do vậy ngành nghề này luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai rất gần, trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường việc làm. Do vậy, chúng tôi muốn tạo môi trường để các em đưa ra những ý tưởng, sản phẩm độc đáo, có thể ứng dụng trong thực tiễn, ngay từ khi các em còn ở giảng đường.

Chúng tôi cũng khuyến khích các em mạnh dạn đưa ra ý tưởng mới, tính sáng tạo cao, thậm chí có thể là lần đầu tiên được đề xuất. Tuy nhiên, ý tưởng ấy phải bảo đảm khả năng phát triển thành sản phẩm, nghĩa là có thể ứng dụng, sử dụng vào thực tiễn. Đồng thời, chúng tôi khuyến khích những ý tưởng hàm chứa tính nhân văn”.

Vòng chung kết cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” sẽ diễn ra vào ngày 13/09/2019. Trong giai đoạn chuẩn bị cho vòng chung kết, các tác giả, nhóm tác giả được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nhận lời đồng hành, bảo trợ (cho ý tưởng) góp ý, phản biện, nâng cao mức độ hoàn thiện của ý tưởng, sẵn sàng phát triển tiếp sản phẩm. Bên cạnh đó, là các bài huấn luyện về kỹ năng gọi vốn.

Ngoài giải Nhất, Ban tổ chức còn trao 1 giải Nhì (trị giá 10 triệu đồng), 2 giải Ba (5 triệu đồng/giải) và 1 giải Khuyến khích (2 triệu đồng). Ban tổ chức cũng cho biết sẽ đồng hành bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho tác giả/nhóm tác giả đoạt giải.

Cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” cũng hiện thực hóa quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thông qua cuộc thi, doanh nghiệp vừa tiếp cận được những ý tưởng mới, khả năng phát triển thành sản phẩm rõ nét, vừa tiếp cận được nguồn nhân lực có kỹ năng nghiên cứu. Từ đó, cân nhắc đầu tư cho ý tưởng, có kế hoạch khai thác, sử dụng tối ưu nguồn nhân lực.