Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nên rất cần được thí điểm để bảo đảm hiệu quả triển khai. (Ảnh minh họa: VNPT)

Thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trong năm 2020

Liên quan đến vấn đề phát triển đô thị thông minh, trong phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TT&TT diễn ra cuối tháng 12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hiện nay, đô thị thông minh phát triển nở rộ, Bộ TT&TT cần sơ kết chương trình đô thị thông minh, xác định cấu phần CNTT, nhất là trung tâm giám sát điều hành, từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.

Tại Chỉ thị 01 ban hành ngày 3/1/2020 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, “Sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, từ đó ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí” được Bộ TT&TT xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Bộ trong năm nay.

Lý giải nguyên nhân phải triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh, đại diện Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cho biết: “Việc phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nên rất cần sự thí điểm để bảo đảm hiệu quả triển khai. Thông qua thí điểm, các địa phương có được sự chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tổng thể và dài hạn về phát triển đô thị thông minh”.

Cũng với quan điểm thực hiện từng bước, theo nhiều giai đoạn một cách cẩn trọng, tánh đầu tư dàn trải và lãng phí, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Bộ TT&TT dự kiến thời gian thí điểm là trong năm 2020, với phạm vi là thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai khai thí điểm. Theo kế hoạch, tháng 6/2020 sẽ đánh giá bước 1 và đánh giá kết thúc giai đoạn thí điểm vào tháng 12/2020.

Đối tượng triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu, muốn tham gia thí điểm. Các địa phương này cần gửi đăng ký về Bộ TT&TT để tổng hợp, theo dõi, hỗ trợ triển khai và đánh giá kết quả thí điểm. Theo thống kê của Cục Tin học hóa, hiện đã có 27 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia thí điểm dịch vụ đô thị thông minh.

Địa phương nên chọn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh nào?

Bộ TT&TT cũng hướng dẫn rõ, triển khai thí điểm đô thị thông minh tập trung vào các nhóm dịch vụ cơ bản gồm: dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ an ninh trật tự của đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; dịch vụ giám sát an toàn thông tin.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện, nhu cầu của địa phương có thể lựa chọn thêm các dịch vụ nhưng phải bảo đảm tính khả thi, có thể đánh giá sau khi kết thúc thí điểm như: y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ giám sát và cảnh báo môi trường, dịch vụ an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát dịch vụ công, hệ thống hiển thị trực quan thông tin phục vụ giám sát điều hành (Dashboard)... Theo Bộ TT&TT, các dịch vụ cần được xây dựng, tối ưu trên nền tảng thiết bị di động cung cấp cho người dân sử dụng, tham gia vào quản lý đô thị, hưởng thụ các dịch vụ của đô thị thông minh.

Chia sẻ thêm về việc địa phương nên lựa chọn các dịch vụ đô thị thông minh như thế nào để triển khai phù hợp và hiệu quả, đại diện Cục Tin học hóa cho hay, trước tiên địa phương cần xác định rõ mục đích khi lựa chọn dịch vụ đô thị thông minh để triển khai: dịch vụ giải quyết vấn đề gì đang bức thiết của đô thị (tắc nghẽn giao thông, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường…) hay phát triển dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân (các dịch vụ tiện ích).

“Để việc triển khai dịch vụ đô thị thông minh có hiệu quả, địa phương cần cân nhắc giữa chi phí đầu tư phát triển, cung cấp dịch vụ với hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội sau khi cung cấp dịch vụ cho người dân. Tốt nhất là xây dựng được các chỉ số có tính định lượng để đánh giá hiệu quả triển khai”, đại diện Cục Tin học hóa khuyến nghị.

Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa là cơ quan đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương các nội dung về ứng dụng ICT trong triển khai thí điểm, bao gồm việc xây dựng nền tảng đô thị thông minh, trung tâm giám sát điều hành, phát triển các dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và đánh giá hiệu quả triển khai. “Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn trực tiếp (online hoặc offline) đối với từng địa phương để bảo đảm hiệu quả", đại diện Cục Tin học hóa cho biết.

Cùng với đó, Bộ TT&TT còn đóng vai trò cầu nối tổ chức các đoàn công tác, học tập kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh ở các địa phương đã triển khai có hiệu quả.

Đặc biệt, với vai trò tổ chức hướng dẫn, Bộ TT&TT đã khuyến nghị UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT là đơn vị đầu mối chủ trì về triển khai thí điểm đô thị thông minh và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh này để thống nhất một đầu mối có chuyên môn và có ngành dọc đồng bộ với Bộ TT&TT đảm bảo triển khai đồng bộ. Đồng thời, Bộ cũng khuyến nghị các địa phương ưu tiên chọn doanh nghiệp trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính làm thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 73 ngày 5/9/2019 của Chính phủ, bảo đảm hài hòa phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

“Đây là cơ hội để các Sở TT&TT thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong các lĩnh vực chuyên môn được giao. Với các địa phương, việc chọn doanh nghiệp trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính làm thí điểm bằng chi phí của doanh nghiệp sẽ giúp địa phương có thể tiết kiệm kinh phí, ngân sách không tốn kém mà cơ quan nhà nước cũng đúc kết được các mô hình, kinh nghiệm, những vấn đề cần làm trong đô thị thông minh. Doanh nghiệp tham gia thí điểm cũng có cơ hội để trải nghiệm các sản phẩm thực tế của mình trước khi đưa ra thương mại hóa”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ.