Cô dâu chú rể trong đám cưới của mình đeo số vàng ước tính lên tới 60 cây, hay nhiều bà mẹ chồng tặng con dâu rất nhiều vàng  trong ngày cưới "cho đẹp mặt" với họ hàng nhưng cưới xong vội đòi lại, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, có tiền mà có văn hóa thì người ta không tặng như thế!

Thỏa mãn tâm lý tiểu nông

Theo Họa sĩ Lê Thiết Cương, tặng vàng trong ngày cưới là hiện tượng mới xuất hiện gần đây, khi đời sống vật chất của người dân cao hơn chứ không nằm trong văn hóa cưới xin gốc của người Việt. Đây hoàn toàn là biểu hiện của sự giàu có về vật chất chứ không phải tinh thần.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.
Ngày xưa đám cưới đơn giản lắm. Vì người ta nhấn mạnh đến yếu tố tinh thần, vì bản chất của đám cưới là ngày vui, ngày hạnh phúc của một đôi trai gái.

Về bản chất, có hiện tượng này là vì một giai đoạn dài đất nước chỉ chú trọng phát triển kinh tế, vật chất mà quên mất đời sống tinh thần. Sự phát triển không hài hòa giữa văn hóa và kinh tế mới sinh ra sự nhếch nhác, thê thảm về đời sống văn hóa và tinh thần như hiện nay.

Tất cả từ thành thị, nông thôn, trẻ con, người lớn đều chạy đua theo vật chất, ai ai cũng bon chen. Nếu chú trọng đời sống tinh thần, biết hướng đến đời sống vật chất cao, nếu có văn hóa thì không ai đi làm những hành động như thế.

Thiết nghĩ có hiện tượng này cũng là một sự logic tất yếu, sự phát triển tất yếu. Bao nhiêu năm nghèo đói, khi có tiền, giàu có về vật chật thì họ hành động như vậy để thỏa mãn tâm lý tiểu nông của họ bằng cách chứng tỏ. Cho dù bộ quần áo, cái xe của người ta đi là biểu hiện của đời sống hiện đại, thành thị nhưng tâm lý tiểu nông vẫn chưa hết nên phải chứng tỏ.

Người ta luôn luôn nghĩ rằng mình yếu, mình nghèo, có một tí thì phải chứng tỏ ngay. Bởi vì cũng là cái nhẫn vàng đó, cây vàng đó hoàn toàn có thể tặng ở một chỗ khác chứ đâu cứ phải đám cưới, nhà hàng khách sạn này nọ rồi trên sân khấu, đèn rọi sáng choang.

Vật chất quan trọng nhưng nó vẫn phải được bảo lãnh bằng đời sống văn hóa, tinh thần thì mới có giá trị. Còn tặng rùm beng như kia chỉ là hình thức thôi. Nếu không cần hình thức thì rõ ràng người ta đã đến thăm đôi vợ chồng trẻ tặng riêng tại nhà chứ đâu cần lên sân khấu như thế. Hành động đó không sai nhưng địa điểm sai. Thực sự nếu có tiền và có văn hóa thì không ai làm như thế.

Những ông A, bà B trong đám cưới linh đình tặng con ô tô hay mấy chục cây vàng, họ bảo họ có quyền làm điều đó vì số tiền họ kiếm được là chính đáng. Thế nào là chính đáng? Cứ cho là họ mở doanh nghiệp, họ làm ra sản phẩm, họ bán và thu lãi, họ nộp thuế đầy đủ, làm hết nghĩa vụ với nhà nước thì vẫn là không chính đáng. Không ai sống trong đất nước này mà có thể trong một thời gian ngắn có được số tiền khủng khiếp như thế mà chính đáng được. Thử làm một cuộc điều tra, có ai dám chấp nhận cho điều tra xem số tiền mình có là chính đáng hay không?

Quan khách tặng nhiều vàng cũng là hối lộ!

Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng (Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội): Với tư duy của một nhà thẩm mỹ thì tặng vàng cũng như tặng đồ kỷ niệm cho con vào ngày quan trọng nhất cái đó là rất đẹp, rất Việt Nam, rất hay. Các cụ ngày xưa tặng vàng cho con cháu vào ngày cưới là để cho con vốn liếng, tài sản làm ăn sau này. Nhưng chỉ tặng ở mức độ vừa phải, chứ không phải cho một cục vàng như thế thì thành khoe mẽ, vô duyên.

Những vị khách đến dự đám cưới mà tặng đôi trẻ nhiều vàng, có thể là do tác động từ quan hệ với bố mẹ. Đó cũng là một cách, một hình thức để hối lộ. Một sự biến tấu của hối lộ. Thay vì đưa tiền thì đưa vàng, thay vì đưa cho mẹ thì khéo léo tặng cho con trong ngày cưới.

La Hoàn (ghi)