Khai trương, chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nội dung | Đã có hơn 6.000 website tên miền “.VN” hoạt động với IPv6 | Việt Nam xếp thứ 9 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6

Mức độ ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ khối cơ quan Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp nội dung còn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ ứng dụng IPv6 trung bình của Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet).

Trong trao đổi tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, tuy tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam những năm qua luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra; song mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các doanh nghiệp nội dung, khối cơ quan Đảng, Nhà nước vẫn còn thấp. Đại diện VNNIC cũng chỉ rõ, trong năm 2019, nếu không tăng tốc chuyển đổi ứng dụng IPv6, khối cơ quan Đảng, Nhà nước và khối các doanh nghiệp nội dung sẽ có nguy cơ trở thành “ốc đảo” trên Internet.

Theo số liệu thống kê mới nhất của VNNIC về tình hình triển khai IPv6 trong mạng cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, hiện có hơn 6.000 website tên miền “.VN” hoạt động với IPv6.

Cụ thể, với khối cơ quan nhà nước, số lượng website đã hoạt động với IPv6 là 46 trang, trong đó có 21 website dưới tên miền “.GOV.VN”. Có thể kể đến những cơ quan nhà nước tiêu biểu trong triển khai ứng dụng IPv6 như: Bộ TT&TT với việc triển khai hỗ trợ IPv6 trên Cổng thông tin điện tử Bộ tại địa chỉ mic.gov.vn từ năm 2013, đồng thời đã thử nghiệm chuyển đổi IPv6 thành công cho hạ tầng CNTT, dịch vụ công trực tuyến; Các Sở TT&TT Long An và Lâm Đồng là 2 Sở đã tiên phong chuyển đổi IPv6 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

Đối với khối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, đã có 15 trang thông tin điện tử tổng hợp, nội dung hoạt động với IPv6. Báo điện tử VnExpress của Công ty FPT Online là doanh nghiệp nội dung tiêu biểu trong triển khai ứng dụng IPv6. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của đơn vị này bình quân đạt 12%, tương ứng với 3 triệu người dùng IPv6 mỗi ngày.

VNNIC cũng cho biết, năm 2019 có vai trò quan trọng khi là năm cuối thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Tính đến ngày 6/4/2019, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đã đạt 32,37% với hơn 17 triệu người sử dụng IPv6, vượt kế hoạch năm 2019 (30%). Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 6 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 9 thế giới (sau Bỉ, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Malaysia, Hy lạp, Nhật Bản và Đài Loan) về mức độ ứng dụng triển khai IPv6.

“Việc tăng tốc, đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trong thời gian tới không chỉ hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2019 mà còn góp phần phát triển bền vững mạng Internet Việt Nam nói chung cũng như phát triển hạ tầng CNTT chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến trong thế giới Internet vạn vật”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.

Để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng thể “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6 kể từ năm 2019”, VNNIC - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã lên kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 nhân Ngày IPv6 Việt Nam năm 2019.

Theo đó, như ICTnews đã thông tin, hội thảo Ngày IPv6 năm 2019 với chủ đề “Khai trương, chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 trong các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số” sẽ diễn ra vào ngày 6/5 tới tại Hà Nội.

Được chủ trì bởi Lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, hội thảo ngày IPv6 Việt Nam năm nay có sự tham dự của các cơ quan thuộc Bộ TT&TT; các Sở TT&TT; Cục CNTT của các Bộ; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC; các nhà đăng ký tên miền “.VN”; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động; cùng các đơn vị phát triển, cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến, báo điện tử, mạng xã hội…

Hội thảo sẽ tập trung vào các vấn đề chính như: đánh giá chặng đường hơn 10 năm thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam, cập nhật về xu thế, kết quả chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm triển khai, ứng dụng IPv6 trên các lĩnh vực và tập trung vào triển khai IPv6 cho các cơ quan nhà nước (cho mạng lưới, các dịch vụ công) và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số (báo chí, mạng xã hội, trang tin điện tử, dịch vụ cloud...).

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các cơ quan, doanh nghiệp cùng khai trương cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng IPv6 tại Lễ khai trương triển khai cung cấp dịch vụ IPv6. Sự kiện này sẽ chính thức ghi nhận Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định với IPv6.

Nằm trong chuỗi sự kiện tổ chức nhân Ngày IPv6 Việt Nam 2019, cũng tại Hà Nội sẽ diễn ra chương trình tập huấn triển khai IPv6 dành cho cơ quan nhà nước khu vực phía Bắc kéo dài trong hai ngày 7, 8/5/2019. Chương trình tập huấn cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ trên nền tảng công nghệ IPv6. Các học viên tham dự chương trình sử dụng kiến thức đã được đào tạo, tập huấn để xây dựng kế hoạch, quy hoạch và triển khai mạng IPv6 phù hợp cho đơn vị của mình.

Chương trình, thông tin chính thức về hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 và chương trình tập huấn triển khai IPv6 cho các cơ quan nhà nước khu vực phía Bắc sẽ được cập nhật tại website chính thức của sự kiện tại địa chỉ: http://2019.ipv6event.vn.