Một trong những tồn tại, hạn chế trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua là tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, hiệu quả đạt được chưa cao (Ảnh minh họa: Internet).

Trong hơn chục năm vừa qua, Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index). Với hai lần Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa thực hiện đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương trong các năm 2018 và 2019, Đà Nẵng đều có tên trong nhóm 2 địa phương được đánh giá cao nhất, với vị trí thứ hai trong lần đánh giá đầu tiên và vươn lên dẫn đầu trong lần đánh giá thứ hai.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, đến nay Đà Nẵng đã thực hiện kết nối mạng từ xã, phường, quận, huyện đến Ủy ban nhân dân thành phố thông qua hệ thống cáp quang. Bên cạnh đó, nền tảng CNTT đã được xây dựng từ năm 2009 giúp Đà Nẵng bảo đảm duy trì và phát triển theo Kiến trúc Chính quyền điện tử và cập nhật, thay đổi khi có sự cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Đà Nẵng cũng đã xây dựng được các cơ sở dữ liệu nền tảng như cơ sở dữ liệu dân cư; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; và cơ sở dữ liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý - PV). Các cơ sở dữ liệu này đã được thành phố đưa lên Cổng dữ liệu để chia sẻ, dùng chung và có quy chế để khai thác.

Bàn về đội ngũ nhân lực CNTT, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, mô hình của Đà Nẵng ban đầu là mô hình phân tán và đến nay đã chuyển sang mô hình tập trung để phù hợp với điều kiện của thành phố. Cụ thể, hiện nay nhân lực CNTT tập trung vào các Sở, ngành, quận, huyện nhằm đề xuất các ứng dụng, ý tưởng, kiểm tra giám sát việc triển khai và thống nhất triển khai các hệ thống đảm bảo liên thông và an toàn thông tin.

Với cách thức triển khai kể trên, theo chia sẻ của ông Hồ Kỳ Minh, trong năm 2019 vừa qua, kết quả thực hiện của Đà Nẵng về các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” tương đối tốt.

Có thể kể đến một số chỉ tiêu nổi bật của Đà Nẵng trong phát triển chính quyền điện tử như: tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 47,15%; đã tích hợp 256 trong tổng số 849 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 30,15%. Đồng thời, hiện 100% hồ sơ đã được xử lý trên phần mềm một cửa điện tử dùng chung của thành phố.

Từ thực tế triển khai và kinh nghiệm của Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các Bưu điện tỉnh, thành phố được phép tham gia làm đại lý để nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương; bên cạnh việc Bưu điện tham gia thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

“Chúng tôi cũng thấy rằng cần có chính sách ưu tiên xử lý đối với các hồ sơ giao dịch trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 để tránh việc các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 nhưng thực tế còn ít tổ chức, cá nhân sử dụng như hiện nay”, ông Hồ Kỳ Minh kiến nghị.

Liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thường trực Tổ giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cho hay, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3 và 4), với khoảng 10,76 % dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (năm 2018 tỷ lệ này mới chỉ đạt 4,55%).

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp là tình trạng chung mà nhiều bộ, tỉnh gặp phải và vấn đề quan trọng là các cơ quan cung cấp dịch vụ cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Nhận định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến thấp là do dịch vụ chưa thuận tiện cho truy cập và người dân còn chưa có thói quen, kỹ năng sử dụng, Cục Tin học hóa đã đề xuất một số giải pháp như: có dịch vụ hỗ trợ khai, nộp hồ sơ trực tuyến; hướng dẫn học sinh kỹ năng để hỗ trợ phụ huynh thực hiện thủ tục trực tuyến tại nhà; Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính.