Trong khuôn khổ Tọa đàm Việt Nam – Australia về hợp tác thúc đẩy công nghiệp 4.0 lần thứ hai được tổ chức mới đây, Đại học RMIT đã chính thức công bố việc đổi tên khoa Khoa học và Công nghệ của trường tại Việt Nam thành khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (SSET), đồng thời giới thiệu Trưởng khoa mới, Giáo sư Brett Kirk.

{keywords}
Giáo sư Brett Kirk, tân Trưởng khoa khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam.

Thừa hành Phó chủ tịch Hội đồng trường (phụ trách Phân viện STEM) và Phó giám đốc Đại học RMIT phụ trách Đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, Giáo sư Aleks Subic cho biết: Việc thêm yếu tố “Kỹ thuật” vào tên của khoa là nhằm nêu bật danh tiếng các chương trình kỹ thuật được ghi nhận trên toàn cầu của Đại học RMIT, cũng như các công trình nghiên cứu xuất sắc và ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn, cùng quan hệ đối tác vững chắc với lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Cũng theo Giáo sư Aleks Subic, với kế hoạch mở rộng chương trình giảng dạy, xây dựng năng lực và các hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực chính thuộc STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), RMIT hướng tới xây dựng SSET trở thành 1 khoa quốc tế hàng đầu ở Việt Nam, được công nhận nhờ đào tạo ra đội ngũ sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng làm việc có năng lực cạnh tranh toàn cầu, và nhờ các nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ thay đổi mạnh mẽ các ngành nghề và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Với định hướng lãnh đạo mới và Trưởng khoa SSET vừa nhậm chức, RMIT Việt Nam dự định nâng cao năng lực sâu rộng cho khoa trên toàn bộ các lĩnh vực thuộc STEM, tăng số ngành đào tạo ở cả TP.HCM và Hà Nội; đồng thời xây dựng năng lực nghiên cứu và tăng cường giao lưu kết nối với doanh nghiệp, Chính phủ và cộng đồng.

Tân trưởng khoa SSET, Giáo sư Brett Kirk nhấn mạnh rằng: “Tên gọi mới của khoa phản ánh sự tăng trưởng mà chúng tôi đã đạt được trong những năm qua cũng như định hướng mới của khoa trong việc triển khai sâu rộng các chương trình đào tạo”.

SSET hiện đào tạo 6 chương trình đại học gồm: Robot và cơ điện tử, điện và điện tử, phần mềm, CNTT, hàng không và tâm lý học. Trong đó, Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) và Cử nhân Khoa học ứng dụng (Tâm lý học) là 2 ngành mới tuyển sinh từ năm nay, với khóa sinh viên đầu tiên nhập học từ tháng 10/2021.

{keywords}
Trí tuệ nhân tạo và an toàn mạng là 2 lĩnh vực RMIT Việt Nam dự kiến mở mới chương trình đào tạo Thạc sĩ (Ảnh minh họa)

Để đem đến cho sinh viên cơ hội theo đuổi các lộ trình khác nhau và cung cấp cho lực lượng lao động thêm nhiều chuyên gia giải quyết vấn đề, SSET dự kiến thời gian tới sẽ mở 1 chương trình đại học về Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, cùng 2 chương trình cao học về Trí tuệ nhân tạo và An toàn mạng.

Giáo sư Kirk cho biết, nhà trường còn phát triển số lượng nghiên cứu sinh Tiến sĩ bằng cách trao học bổng nghiên cứu và giảng dạy tiền Tiến sĩ cho phụ nữ trong lĩnh vực STEMM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Y học); cùng các Học bổng Tiến sĩ.

Chương trình sẽ dành cho phụ nữ tài năng tốt nghiệp từ các ngành thuộc lĩnh vực STEM ở Việt Nam. "Bên cạnh đó, chúng tôi còn cam kết hỗ trợ đào tạo nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực STEM ở Việt Nam bằng việc trao 3 học bổng nghiên cứu sinh Tiến sĩ trong năm 2021, đồng thời tiếp tục bồi đắp năng lực và tiềm lực nghiên cứu góp phần vào năng lực toàn diện sâu rộng của nhà trường ở tất cả các cơ sở và trung tâm nghiên cứu”, Giáo sư Brett Kirk cho hay.

Vị tân trưởng khoa SSET cũng lưu ý thêm: Toàn bộ sự phát triển của khoa sẽ được định hướng bởi quan hệ hợp tác và tập trung mạnh mẽ vào xây dựng quan hệ đối tác trong giáo dục, nghiên cứu và kết nối cộng đồng, để khoa có thể kiến tạo thay đổi.

Vân Anh

Nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo đang rất thiếu ở Việt Nam và trên thế giới

Nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo đang rất thiếu ở Việt Nam và trên thế giới

Theo các chuyên gia, ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất thiếu những nhân sự tài năng kể cả ở trình độ sơ cấp và cao cấp. Tuy nhiên, Việt Nam đang có tiềm năng lớn để đào tạo thế hệ nhân tài AI tương lai.